HomeCÂU CHUYỆN DẠY DỖNgười Giữ Em Tôi

“Hãy giải cứu kẻ bị đùa đến sự chết, và chớ chối rỗi cho người đi xiêu tó tới chốn hình khổ. Nếu con nói: Chúng tôi chẳng biết gì đến; Thì Đấng mà cân nhắc lòng người ta, há chẳng xem xét điều ấy sao? Và Đấng gìn giữ linh hồn con, há không biết đến ư? Chớ thì Ngài sẽ chẳng báo mỗi người tùy theo công việc họ làm sao?” — Châm ngôn 24:11-12

Raoul Wallenberg xuất thân từ một gia đình Thụy Điển giàu có và nổi tiếng. Khi Đức quốc xã bắt đầu tóm gọn người Do Thái ở Hungary, Wallenberg đã tới Budapest với tư cách là một nhà ngoại giao để trao giấy tờ công dân Thụy Điển cho hàng ngàn người Do Thái. Hơn 400.000 người Do Thái đã bị trục xuất đến Auschwitz rồi, nhưng 200.000 người vẫn còn ở lại Budapest, vì vậy Wallenberg đã hành động rất nhanh chóng và không hề sợ hãi.

Thậm chí ông còn đuổi theo các đoàn tàu chở dân bị trục xuất, kéo người Do Thái ra và tuyên bố họ là đối tượng ở dưới sự bảo hộ về mặt ngoại giao của ông. Người Đức lúc bấy giờ không chắc cách nào để ngăn chặn ông. Đại sứ quán Thụy Điển tại Budapest không thể chứa hết các công dân mới, vì vậy Wallenberg đã mua 31 tòa nhà để sử dụng làm nhà “an toàn” và công bố chúng là tài sản của Thụy Điển, được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế. Wallenberg đã cứu được tới 100.000 người Do Thái khỏi một số phận chết chóc.

Hành động mang tính quyết định của Wallenberg, với chi phí riêng lớn lao và rủi ro cá nhân còn lớn hơn, là một gương mẫu cho chúng ta. Bất cứ khi nào chúng ta nhìn thấy sự bất công, dù nhỏ hay lớn, chúng ta nên nắm lấy hành động. Nhìn thấy một việc rồi suy nghĩ, thật là dễ dàng: “Việc ấy chẳng ảnh hưởng gì đến tôi”, nhưng nguyên tắc phải trình sổ về đồng loại mình đi suốt đường ngược trở lại với các chương đầu của sách Sáng thế ký.

Sau khi Ca-in giết A-bên, Đức Chúa Trời đã hỏi Cain: “A-bên, em ngươi, ở đâu? Thưa rằng: Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao?” (Sáng thế ký 4:9). Về sau, trong Sáng thế ký 9:5, Đức Chúa Trời phán: “Quả thật, ta sẽ đòi máu của sự sống ngươi lại, hoặc nơi các loài thú vật, hoặc nơi tay người, hoặc nơi tay của anh em người”.

Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi của Cain, là: phải, ngươi là người giữ em của ngươi. Hết thảy chúng ta đều có trách nhiệm với những người ở xung quanh chúng ta. Đức Chúa Trời mong muốn rằng chúng ta phục vụ như những người bảo vệ cho nhau.

Người ta có khuynh hướng hay hỏi: “Đức Chúa Trời ở đâu trong sự diệt chủng của Đức Quốc Xã?” Nhưng cũng rất thích đáng để hỏi: “Con người đang ở đâu?” Hơn 6 triệu mạng sống bị hư mất trong khi bị diệt chủng, không những nơi tay kẻ gây ra, mà còn nơi tay của kẻ đứng xem nữa, họ không cản trở hoặc ngăn chặn việc ấy.

Theo Châm ngôn 24:11-12, thiếu hiểu biết không được miễn trừ bởi vì chúng ta không thể thưa với Đức Chúa Trời: “Chúng tôi chẳng biết gì đến”.

Chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ nhớ tới các hành động tàn bạo của quá khứ. Chúng ta cũng phải chấp nhận trách nhiệm cho việc ngăn ngừa loại thảm kịch như thế trong tương lai. Lẽ thật vô hạn kêu gọi mỗi một người chúng ta phải hành động. Như sứ đồ Phao-lô đã dạy trong Kinh thánh Cơ đốc: “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

Chúng ta chăm về lợi kẻ khác bằng cách nào hôm nay? Chúng ta sẽ đứng lên vì ai đó hôm nay như thế nào? Có thể là không mua 31 tòa nhà khắp chốn đâu, nhưng ngay cả những bước nhỏ, bình thường cũng đều là quan trọng đối với Đức Chúa Trời.

Đoàn Phần Danh soạn dịch


Comments

Người Giữ Em Tôi — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *