Hai Con Dê Yom Kippur
Kế đó người phải bắt hai con dê đực, đem để trước mặt Đức Giê-hô-va, tại nơi cửa hội mạc. Đoạn, A-rôn bắt thăm cho hai con dê đực, một thăm về phần Đức Giê-hô-va, một thăm về phần A-xa-sên — Lêvi ký 16:7–8
Yom Kippur [Ngày Chuộc Tội] là bóng của hình từng xảy có. Hôm nay, ngày lễ được đánh dấu bằng một ngày kiêng ăn và thờ phượng tại nhà hội. Tuy nhiên, khi Đền Thờ còn đó, người ta nhìn thấy một buổi thờ phượng rất phức tạp, lên đến đỉnh điểm khi một sợi chỉ màu đỏ tiêu biểu cho tội lỗi của Israel sẽ đổi thành màu trắng thật lạ lùng khi họ được tha thứ. Buỗi thờ phượng này được nâng cấp đến nỗi bậc thánh hiền Do-thái mô tả Yom Kippur là một trong hai ngày vui vẻ nhất trên tờ lịch của người Do-thái.
Buổi thờ phượng từng diễn ra trong Đền Thờ chiếu theo các mạng lịnh liên quan đến hai con dê. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta chỉ đọc về buổi thờ phượng đó; chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nghi thức này theo nghĩa đen. Khi chúng ta tìm hiểu, chúng ta vẫn có thể được phước từ sứ điệp nói tới hai con dê ngay cả trong sự vắng mặt của chúng.
Kinh Thánh đã dặn dò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm chọn ra hai con dê rồi khi ấy bóc thăm quyết định số phận của chúng. Bằng cách dùng lá thăm, Đức Chúa Trời sẽ quyết định con dê nào sẽ được dâng hiến cho Ngài và sẽ trở thành con dê được thả vào trong đồng vắng để chết ở đó. Bậc thánh hiền giải thích rằng mạng lịnh đòi hỏi hai con dê phải chính xác giống nhau – giống hệt nhau về hình dáng, kích cỡ và giá trị. Hai con dê này trông giống như cặp sinh đôi – giống nhau về hình dạng bên ngoài – nhưng số phận của chúng, khác nhau hoàn toàn.
Ý tưởng về cặp sanh đôi có tánh tự nhiên đối ngược nhau đã trở nên quen thuộc trong Kinh thánh. Bậc thánh hiền dạy rằng Gia-cốp và Ê-sau khó phân biệt với nhau khi chào đời. Tuy nhiên, ở bên trong, họ không thể khác biệt mấy. Sau cùng, khi lớn lên, họ nắm lấy con đường sống khác nhau, và Gia-cốp đã trở thành tổ phụ của dân sự Đức Chúa Trời, trong khi Ê-sau trở thành tổ phụ dân A-ma-léc – là thứ dân theo Kinh Thánh chỉ định là cừu thù của Đức Chúa Trời. Hai con dê sanh đôi nhằm ngày Yom Kippur có ý nhắc cho chúng ta nhớ đến Ê-sau và Gia-cốp.
Sứ điệp nói tới hai con dê sanh đôi, ấy là trong khi dáng dấp có thể đánh lừa người ta, chẳng có ai đánh lừa được Đức Chúa Trời. Ngài sẽ quyết định số phận thích đáng của chúng. “Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (I Sa-mu-ên 16:7). Nhằm ngày Yom Kippur chúng ta có một cơ hội tuyệt vời cho sự tha thứ. Nhưng để việc ấy xảy ra, chúng ta phải nhìn nhận sai lầm của chúng ta và quyết tâm trở nên sống tốt đẹp hơn. Chúng ta chỉ có thể thực hiện việc ấy nếu chúng ta bằng lòng chỉ ra các thiếu sót quan trọng nhất rồi đối mặt với những tật xấu kín đáo của chúng ta. Chúng ta có thể đánh lừa người khác và thậm chí chính bản thân mình, song chẳng có một sự dối gạt nào đối với Đức Chúa Trời.
Yom Kippur là thời điểm để trở nên tinh sạch. Chúng ta cần có một cái nhìn trung thực vào bên trong những nơi mà chỉ có chúng ta mới có thể nhìn thấy. Chúng ta phải xác định chỗ chúng ta đã sai trái và sửa đổi. Chỉn khi ấy Đức Chúa Trời mới có thể tẩy sạch tội lỗi của chúng ta.
(Soạn dịch: Đoàn Phan Danh)

Comments

Hai Con Dê Yom Kippur — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *