HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của Những MS KhácBG-Bí Quyết Đắc Thắng Trong Cơn Giận Dữ

Bí Quyết Đắc Thắng Trong Cơn Giận Dữ – Mục sư Ngô Việt Tân
Secrets Of Overcoming Anger – Rô-ma 12:17-21

Một trong những quan niệm sống thành công và thái độ sống trưởng thành của bạn là gì? Có phải khi nào chúng ta thắng phần tranh luận hay qua cách hành xử khôn ngoan trong cuộc sống? Sự thắng hay thua, thất bại hay thành công thường khiến con người dễ tranh cãi và xung đột lẩn nhau. Hãy suy gẫm những lời thâm thúy của “Được & Mất”:

Tranh cãi với khách hàng. Bạn thắng. Khách hàng đi mất.

Tranh cãi với đồng nghiệp. Bạn thắng. Đồng nghiệp xa dần.

Tranh cãi với người thân. Bạn thắng. Tình than biến mất.

Tranh cãi với bạn hữu. Bạn thắng. Bạn hữu dần xa.

Tranh cãi với vợ hay chồng. Bạn thắng. Tình cảm nhạt phai.

Tranh cãi. Tranh cãi.

Dù tranh cãi với bất kỳ ai!

Bạn thắng thì đã sao? Bạn nghĩ rằng bạn đã thắng?

Nhưng thật ra bạn thua nặng và có thể sẽ mất tất cả!

Triết gia khôn ngoan và lỗi lạc luận rằng “Ngay cả tình yêu, lòng ganh ghét, Tính tranh chấp của họ cũng thảy đều tiêu tan. Họ chẳng còn phần gì nữa trong mọi việc xảy ra trên đời.” (Giáo huấn 9:6). Tính tranh cãi và hơn thua kh ông mang đến sự bình an cho tâm hồn chúng ta, mà chỉ gây thêm sự tức giận và lòng ganh ghét, và hậu quả của nó chỉ dẫn con người vào sự bại hoại. Lời Thánh Kinh chép “Đừng vội nóng giận, Vì cơn giận dữ sẵn chờ trong lòng kẻ dại.” (Giáo huấn 7:9). Vì thế, Triết gia khuyên chúng ta nên sống cách khôn ngoan, bởi vì “Sự khôn ngoan quí giá như thừa hưởng gia tài điền sản, Và đem lại lợi ích lâu dài cho người sống trên đời. 12 Cũng như tiền bạc, Sự khôn ngoan như bóng che thân, Nhưng sự hiểu biết của người khôn ngoan có ích lợi lâu dài hơn, Vì nhờ sự khôn ngoan mà bảo tồn được mạng sống mình.” (Giáo huấn 7:11-12).

Nguyên nhân Nào Khiến Bạn Dễ Giận Dữ?

Tính nóng giận có thể bị ảnh hưởng hay học tập từ môi trường của gia đình. Nguyên nhân khiến con người chúng ta dễ tức giận là khi mình nhìn thấy sự bất công (injustice) trong cuộc sống chung quanh, mà chúng ta không thể làm thay đổi hiện trạng hay hoàn cảnh xảy ra trước mắt. Thực tế những sự bất công này hầu như chỉ có Thiên Chúa là Đấng có quyền năng thay đổi lòng người và hoàn cảnh.

Sự giận dữ có thể gây ra bởi sự xung đột. Sự xung đột (strife) thường bắt nguồn từ sự phán xét, nói xấu, tự cao tự đại chính mình, nói xấu sau lưng, hay hơn thua qua lời tranh cãi giận dữ.

Người có tính dễ nóng giận thường không có sự kiên nhẫn (impatience). Khi chúng ta không đạt được ý nguyện của mình, chúng ta có thể dễ giận dữ và đây là lý do tại sao chúng ta dường như phải tranh chiến với nó mỗi ngày trong cuộc sống với tốc độ quá nhanh.

Mỗi khi chúng ta bị lâm vào hoàn cảnh bị người khác lạm dụng (abuse) thể xác, tình dục, lời nói, cảm xúc hay tinh thần, chúng ta dễ tức giận và cay đắng.

Sự tức giận cũng có thể xảy ra khi chúng ta không được đáp ứng nhu cầu (unmet needs) trong cuộc sống của mình. Khi người khác không hiểu biết nhu cầu của mình, chúng ta có thể bực tức; thay vì tìm kiếm đến Chúa là Đấng có thể giải quyết và đáp ứng nhu cầu cho chúng ta.

Và nguyên nhân cuối của sự giận dữ chính là lòng ganh tị (jealousy). Kinh Thánh đã ghi lại thế nào Ca-in đã sanh lòng ganh tị với em của mình là A-bên trong sách Sáng thế đoạn 4.

Sự Giận Dữ Có Phải Là Tội Lỗi?

John C. Boger nói rằng “Sự giận dữ và cay đắnglà hai dấu hiệu của sự tập trung vào chính cái tôi của chính mình và không tin cậy vào quyền năng tể trị của Đ ức Chúa Trời trong đời sống bạn. Khi nào bạn tin rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ngư ời thuộc về Ngài v à kính yêu Ngài, bạn có thể dối diện những thử thách với niềm vui thay vì giận dữ hay cay đắng – Anger and bitterness are two noticeable signs of being focused on self and not trusting God’s sovereignty in your life. When you believe that God causes all things to work together for good to those who belong to Him and love Him, you can respond to trials with joy instead of anger or bitterness.”

Dù chúng ta sống giữa thế giới văn minh và đầy dẫy tình người, nhưng cũng có nhiều điêù trong cuộc sống khiến chúng ta dễ bực tức, nóng giận, và cay đắng. Marie Chapian là Tác giả của quyển sách tựa đề “Cách Sống Hạnh Phúc Trong Một Thế Giới Không Hạnh Phúc – How To Be Happy In An Unhappy World”, chia sẻ rằng “Niềm hạnh phúc không thể nào rơi xuống trên chúng ta từ trên bầu trời. Chúng ta phải chon lựa nó. Nó cần phải có sự can đảm để sống hạnh phúc.” Theo quan điểm của Marie Chapian, thái độ sống và lối suy luận của mỗi chúng ta sẽ định hướng quỹ đạo tương lai cho cuộc sống chúng ta. Marie Chapian nói rằng “Cuộc sống không làm bạn không hạnh phúc. Chính bạn làm bạn không hạnh phúc. Những hoàn cảnh không làm bạn căng thẳng. Chính bạn làm bạn căng thẳng – Life doesn’t make you unhappy. You make yourself unhappy. Circumstances don’t stress you out. You stress yourself out.”

Kinh Thánh dạy rằng con người chúng ta có thể nóng giận, nhưng không thể phạm tội trong cơn giận dữ. Sứ đồ Phao-lô khuyến cáo con dân Chúa “Khi giận thì đừng phạm tội, đừng cưu mang giận hờn cho đến khi mặt trời lặn, 27 cũng đừng cho quỷ vương lợi dụng dịp tiện.” (Ê-phê-sô 4:26-27).

Hậu Quả Của Sự Giận Dữ Là Gì?

Ảnh hưởng của sự giận dữ đến thể xác

Theo giới chuyên gia Tâm Bệnh Học, cảm xúc tiêu cực, giận dữ, oán giận trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc chúng ta đối diện với sự tranh cãi, sự xung đột, hay gặp phải sự thất vọng, buồn bực, giận dữ hay bất bình. Những căng thẳng, mệt mỏi trong đời sống hàng ngày có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có gan. Khi cơ thể bị căng thẳng, mệt mỏi, áp lực máu tăng cao, lượng máu lưu thông của gan cũng giảm mạnh, không đủ để duy trì hoạt động bình thường. Chính vì thế mà gây hại cho gan không ít.

Các Nhà Nghiên cứu về chủ đề “Các Hệ Lụy của Bệnh Tim Mạch Do Sự Giận Dữ và những Trạng Thái Căng Thẳng Khác – Cardiovacular Consequences of Anger and Other Stress States,” do Tiến sĩ Richard L. Verrier và Bác sĩ Marray A. Mittelman cho biết Bệnh Tim Mạch Vành (Coronary artery disease) đêù do sự nóng giận, thái độ căm thù, và tính hay gây gỗ tạo ra; trong khi khoảng 1,5 triệu người bị Cơn Đau Tim với hậu quả là gần 500,000 trường hợp tử vong.

Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có ít nhất khoảng 36,000 người mắc bệnh tim (heart attacks) bởi vì sự giận dữ (Heart attack là sự nhồi máu cơ tim (myocardial infarction).

Trong một cuộc nghiên cứu cho biết có 54 phần trăm người bị đột qụy (stroke) nói rằng họ đã trải nghiệm qua sự nóng giận trước khi bị đột qụy. Đột qụy (Stroke) là một cơn yếu ớt bất chợt ở một phía của cơ thể gây ra do sự gián đoạn lưu hành máu tới một phần nào đó của não. Một Bác sĩ giải thích đột qụy là khi bị ngưng cung cấp máu có thể là do ở trên não có một cục máu làm tắc nghẽn ( 85%) hoặc do một mạch máu bị đứt rách. Không có máu, tế bào não chết liền nếu không được cấp cứu. Mỗi phút không điều trị đưa tới hủy hoại cho 1.9 triệu tế bào não, 7.5 miles sợi thần kinh và 14 tỷ điểm giao liên kết hợp thần kinh.

Trong một cuộc nghiên cứu khác về ảnh hưởng tiêu cực của tính hay gây gỗ, một nhóm 225 Bác sĩ cho biết rằng những người có tính hay gây gỗ ở mức độ cao có nguy cơ thiệt mạng hơn gấp 7 lần so với những người có tính hay gây gỗ ở mức độ thấp.

Hệ lụy của tính nóng giận cũng được các Nhà Tâm Bệnh Học cho biết là nguy cơ của các bệnh như bệnh thuộc loại tâm thể (psychosomatic illinesses) như đau dạ dày, nhức đầu, tăng huyết áp, bệnh viêm ruột kết (colitis), chứng rối loạn ăn uống (eating disorders), bệnh tiêu hoá (digestive problems), bệnh đau khớp (temporomandibular joint pain), bệnh đau cơ bắp (musculoskeletal pain), đau lưng (lower back pain), nhức đầu (headaches), viêm thanh quản (hives), bệnh xuyển (asthma), bệnh béo phì (obesity), tình trạng ngoài da (dermatological conditions), nan đề tình dục (sexual problems), mệt mõi (fatigue), rối loạn giác ngũ (sleep disorders), nan đề cảm xúc (sundry emotional problems), dễ mắc bệnh nhiễm trùng (susceptibility to infections) – (Harold L. Levitan, M.D., “Psychological Factors in the Etiology of Ulcerative Colitis: Objectlessness and Rage,” International Journal Psychiatry in Medicine, 1976-77,Vol. 7, No.3, pp 221-228. – Jane Middleton-Moz, Boiling Point: The High Cost of Unhealthy Anger to individual and Society, Health Communications, Inc., Deerfield Beach, Florida, 1999, p.32.)

Ảnh hưởng của sự giận dữ đến Tâm Linh

Sự giận dữ có thể dẫn khiến con dân Chúa phạm tội. “vì cơn giận của con người không thể hiện đức công chính của Đức Chúa Trời.” (Gia-c ơ 1:20). Vì thế mà Gia-cơ khuyên rằng “Thưa anh chị em thân yêu, hãy ý thức điều này: Mỗi người phải mau nghe, chậm nói, chậm giận,” (Gia-cơ 1:19).

Tại sao Sứ đồ Phao-lô khuyến cáo con dân Chúa “hãy loại bỏ tất cả những điều ấy, tức là thịnh nộ, tức giận, gian ác, phạm thượng, môi miệng tục tĩu.” (Cô-lô-se 3:8)? Bởi vì “cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống trên những kẻ không vâng phục Ngài” (Cô-lô-se 3:6).

Bí Quyết Nào Giúp Bạn Đắc Thắng Sự Giận Dữ Trong Cuộc Sống?

Có người lập trình 5 NGUYÊN TẮC ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC cho mình và cho đời như: 1) Tập tha thứ, 2) Bớt lo lắng, 3) Sống đơn giản, 4) Cho đi nhiều hơn, và 5) Đừng trông đợi quá.

Một người khác khuyên chúng ta nên thực hiện 7 BƯỚC ĐẾN HẠNH PHÚC như:

1. Suy nghĩ ít lại, cảm nhận nhiều hơn!
2. Bớt đi khó chịu, Mỉm cười nhiêù hơn!
3. Nói ít lại, lắng nghe nghiều hơn!
4. Xem ít lại, hành động nhiều hơn!
5. Phán xét ít lại, chấp nhận nhiều hơn!
6. Phàn nàn ít lại, trân trọng nhiều hơn!
7. Sợ hãi ít lại, yêu thương nhiều hơn!

Muốn tận hưởng một đời sống phước hạnh và đẹp lòng Chúa mọi đàng, con dân Chúa cần phải sống theo nguyên tắc của Thánh Kinh như:

1. Hãy Kiềm Chế Cơn Giận Bằng Sự Hiểu Biết Của Mình (Control your temper)

2. Hãy Kiềm Chế Cơn Giận Bằng Sự Hiểu Biết Của Mình (Control your temper)

3. Đừng Để Sự Giận Dữ Của Bạn Điều Khiển Bạn (Do not let your anger control you)

4. Hãy Cầu Nguyện Cho Nhau (Pray for each other)

5. Hãy Sống Với Lòng Yêu Thương (Live with Loving Heart).

1. Hãy Kiềm Chế Cơn Giận Bằng Sự Hiểu Biết Của Mình (Control your temper)

A) “Người hiểu biết chậm nóng giận, Và vì sự vinh hiển của mình, người bỏ qua sự xúc phạm.” (Châm ngôn 19:11).
B) “Thưa anh chị em thân yêu, hãy ý thức điều này: Mỗi người phải mau nghe, chậm nói, chậm giận, 20 vì cơn giận của con người không thể hiện đức công chính của Đức Chúa Trời.” (Gia-cơ 1:19-20).
C) “Người nóng tính hành động ngu dại; Và kẻ mưu mô sẽ bị ghét.” (Châm ngôn 14:17).
D) “Đừng vội nóng giận, Vì cơn giận dữ sẵn chờ trong lòng kẻ dại.” (Giáo huấn 7:9).
E) “Chậm nóng giận thắng hơn một dũng sĩ; Tự chủ tâm thần tốt hơn chiếm lấy một thành.” (Châm ngôn 16:32).
F) “Khởi đầu cuộc tranh chấp như việc vỡ đê; Vậy hãy chấm dứt tranh cãi trước khi nó bùng nổ.” (Châm ngôn 17:14).

2. Đừng Để Sự Giận Dữ Của Bạn Điều Khiển Bạn (Do not let your anger control you)

A) “Hãy run sợ và chớ phạm tội. Khi nằm trên giường, Hãy suy gẫm trong lòng và im lặng. Sê la” (Thánh thi 4:4).
B) “Khi giận thì đừng phạm tội, đừng cưu mang giận hờn cho đến khi mặt trời lặn, 27 cũng đừng cho quỷ vương lợi dụng dịp tiện.” (Ê-phê-sô 4:26-27).
C) “Hãy nguôi cơn giận và từ bỏ thịnh nộ. Chớ phiền lòng vì điều đó chỉ đưa đến việc ác” (Thánh thi 37:8).
D) “Đừng lấy ác báo ác cho ai cả; hãy làm điều thiện trước mặt mọi người. 18 Nếu có thể được, anh em hãy hết sức sống hòa thuận với mọi người. 19 Anh chị em thân yêu, đừng tự báo thù ai, nhưng hãy nhường chỗ cho cơn thịnh nộ của Chúa, vì Thánh Kinh đã chép: “Sự báo trả thuộc về Ta; Ta sẽ báo ứng! Chúa phán vậy.” 20 Nhưng nếu kẻ thù anh chị em đói, hãy cho ăn, có khát hãy cho uống vì làm như vậy là anh chị em chất than hồng trên đầu nó. 21 Đừng để điều ác thắng mình nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác. “ (Rô-ma 12:17-21).
E) “Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận; Còn lời nói sỗ sàng gây ra tức giận. 2 Lưỡi người khôn ngoan truyền rao tri thức; Nhưng miệng kẻ ngu dại tuôn ra điều ngu xuẩn.” (Châm ngôn 15:1).

3. Hãy Cầu Nguyện Cho Nhau (Pray for each other)

A) “Nhưng bây giờ, anh chị em hãy loại bỏ tất cả những điều ấy, tức là thịnh nộ, tức giận, gian ác, phạm thượng, môi miệng tục tĩu. 9 Đừng nói dối nhau vì đã lột bỏ người cũ và các việc làm của nó, 10 và đã mặc lấy người mới, là con người đang được đổi mới trong sự hiểu biết theo hình ảnh Đấng sáng tạo nó. 11 Vậy, ở đây không còn phân biệt người Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, người dã man hay người lạc hậu, người nô lệ hay tự do, nhưng Chúa Cứu Thế là tất cả mọi sự trong mọi người. 12 Vậy, đã là dân được Đức Chúa Trời chọn lựa, thánh hóa và yêu quý, anh chị em hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm tốn, khiêm nhu và kiên nhẫn. 13 Hãy khoan dung, tha thứ nhau khi anh chị em có điều than phiền nhau, như Chúa đã tha thứ anh chị em, thì anh chị em cũng phải tha thứ.” (Cô-lô-se 3:8,12-13).

4. Hãy Tha Thứ Cho Nhau (Forgive each other)

A) “Hãy lột bỏ khỏi anh chị em tất cả những cay đắng, giận hờn, thịnh nộ, kêu rêu, xúc phạm cùng mọi điều hiểm độc. 32 Anh chị em hãy đối xử với nhau cách nhân từ, thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Chúa Cứu Thế.” (Ê-phê-sô 4:31-32).
B) “Người nào bỏ qua lầm lỗi, tìm kiếm sự thương mến nhau; Còn cứ nhắc lại lỗi lầm phân rẽ bạn bè.” (Châm ngôn 17:9).
C) “Nhưng các con hãy yêu thương kẻ thù nghịch mình, làm lành và cho mượn mà đừng mong đền ơn, các con sẽ được trọng thưởng và được làm con Đấng Chí Cao, vì Ngài nhân từ đối với những kẻ vô ơn và gian ác” (Lu-ca 6:35).

5. Hãy Sống Với Lòng Yêu Thương (Live with Loving Heart).
Ca dao Việt Nam mô tả lòng người và tình người khó bền vững cũng như nhiều thách thức cho cuộc sống.

“Lúc thương nhau, cho đường thêm bánh; buổi ghét nhau, tay đánh miệng la.”
“Yêu ai thì bốc lên trời, ghét ai thì dìm xuống đất.”
“Yêu nhau mọi việc chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.”
“Yêu nhau chín bỏ làm mười.”
“Trâu buộc ghét trâu ăn.”
“Vô duyên ghét kẻ có duyên, không tiền ghét kẻ có tiền cầm tay.”
“Yêu trẻ, trẻ đến nhà; yêu già, già để phúc.”

Có người sống và trân quý bằng tình cảm, tình yêu, và tình người. Bởi vậy, tình yêu và tình cảm của con người chan chứa sự huyền nhiệm nhưng cao quý, trừu tượng nhưng chân tình.
Trên thế gian này:
khó cắt đứt nhất là tình cảm
Khó tìm nhất là tình yêu
Khó trả ơn nhất là tình người
Hiếm có nhất là tình bạn
Khó chia ly nhất là tình thân
Khó tìm kiếm nhất là chân tình
Khó chịu nhất là vô tình
Và đáng yêu nhất là nụ người của người mình yêu!

Lời Thánh Kinh chép “Vì Đức Chúa Trời đã không định cho chúng ta chịu cơn thịnh nộ nhưng được hưởng ơn cứu rỗi bởi Chúa Giê-su Cơ Đốc chúng ta, 10 Đấng đã chết vì chúng ta để chúng ta dù thức hay ngủ đều được sống với Ngài. 11 Vậy, anh chị em hãy khuyến khích lẫn nhau và xây dựng cho nhau như anh chị em vẫn đang làm.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:9-11).

Bạn có nhận biết rằng mỗi khi chúng ta bị làm tổn thương, bị mắng nhiếc, bị ngược đãi, và bị mọi điều vu cáo, chúng ta sẽ được Chúa ban nhiều ơn phước chăng? Đây là lời hứa của Chúa Giê-su trong sách Ma-thi-ơ 5:11-12 : “Phước cho các con khi bị người ta mắng nhiếc, ngược đãi và vu cáo đủ điều ác vì cớ Ta.” Mỗi khi chúng ta nhận thức rằng mình sẽ được Chúa ban phước, thì “Hãy hân hoan, mừng rỡ, các con sẽ được trọng thưởng ở trên trời vì người ta cũng đã bắt bớ các tiên tri của Chúa trước các con như thế.” Qua lời hứa của Chúa ban phước cho những người bị làm tổn thương, bị mắng nhiếc, bị ngược đãi, và bị mọi điều vu cáo, nếu chúng ta vẫn giữ lòng giận hờn, cay đắng, và thù hận thì chắc chắn chúng ta sẽ mắc tội với Chúa và với anh chị em mình.

Khi chúng ta đã nhận biết lời Chúa dạy mà không thực hành trong sự tha thứ và “…lột bỏ khỏi anh chị em tất cả những cay đắng, giận hờn, thịnh nộ, kêu rêu, xúc phạm cùng mọi điều hiểm độc…” (Ê-phê-sô 4:31), thì phạm tội cùng Ngài.

Trong cơn nóng giận, nếu chúng ta không “… loại bỏ tất cả những điều ấy, tức là thịnh nộ, tức giận, gian ác, phạm thượng, môi miệng tục tĩu…” (Cô-lô-se 3:8) , lòng cay đắng và thù hận sẽ đâm rễ trong tâm hồn của chúng ta mà khiến nhiều người bị ô-uế và chính chúng ta gây cớ vấp phạm cho người khác.

Lối sống đạo của Chúa Giê-su dạy con dân Chúa khác hẳn với cách hành xử của người trần tục. Ngài phán dạy rằng “Nhưng Ta bảo các con: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con, 45 để các con trở nên con cái của Cha các con trên trời, vì Ngài cho mặt trời soi trên kẻ ác cũng như người thiện và ban mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Ma-thi- ơ 5:44-45).

Chúa Giê–su đã khuyến cáo những ai hay sống với thái độ giận hờn cần lưu ý và nhờ ơn Chúa để sống tha thứ, khoan dung hầu lời câù nguyện được Ngài nhậm cũng như sự thờ phượng đẹp lòng Ngài.
“Nhưng Ta bảo các con: “Ai giận anh em mình thì đáng bị trừng phạt. Ai mắng anh em mình là ngu xuẩn thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là điên khùng thì đáng bị ném vào lửa hỏa ngục.� 23 “Cho nên khi con dâng lễ vật trên bàn thờ mà nhớ lại rằng một anh em con có điều gì bất bình cùng con, 24 hãy để lễ vật ở trước bàn thờ, đi giải hòa cùng anh em mình trước đã, rồi hãy trở lại dâng lễ vật.” (Ma-thi-ơ 5:22-24).

Con Kính Lạy Chúa Giê-su Yêu Dấu!

Con nhận biết rằng con đang buồn giận và cay đắng với ____________ trong thời gian qua. Con xin thành tâm xưng tội này cùng Chúa và xin Ngài rộng lòng tha thứ cho con. Xin thêm ân điển thêm sức của Ngài hầu giúp con có thể tha thứ, yêu thương, và cầu nguyện cho ____________ hầu con và ______________ được quyền năng Ngài chữa lành ngay giờ này cũng chiếu ánh vinh quang và lời chứng tốt cho những người chung quanh.

Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-su Christ Amen!

Mục Sư Ngô Việt Tan


Comments

BG-Bí Quyết Đắc Thắng Trong Cơn Giận Dữ — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *