HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-Thắng Hơn Cơ đốc Giáo Theo Xác Thịt (Phần 1) – 1Côr.3:1-9
BH-Thắng hơn Cơ đốc giáo theo xác thịt – (Phần 1)
(Loạt Bài: I CÔRINHTÔ – HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI)
1 Côrinhtô 3.1-9
Đoàn Phan Danh soạn dịch
G. Campbell Morgan, nhà truyền đạo nổi tiếng người Anh trong thế kỷ vừa qua đã mô tả sứ đồ Phaolô là một bác sĩ lỗi lạc của linh hồn. Giống như một vị y sĩ làm việc để nâng cấp sức khoẻ vật lý trong thân thể vật lý, Phaolô đã làm việc để nâng cấp sức khoẻ thuộc linh trong thân thể của Đấng Christ. Khi ông nhận định về Hội Thánh tại thành Côrinhtô, ông không nhìn thấy sự lành mạnh, mà chỉ nhìn thấy bịnh hoạn. Ông đã nhìn thấy một thân thể bịnh hoạn đang ở trong nhu cần rất lớn về thuốc men thuộc linh.
Chúng ta đã học biết rồi từ chương 1 rằng Hội Thánh tại thành Côrinhtô đã bị “chia rẽ”“tranh cạnh” hành hại. Họ đã bị phân chia quanh những nhà triết học khác nhau, các quan điểm thế giới khác nhau và thậm chí những vị Mục sư và giáo sư khác nhau. Có người nói: Ta là môn đồ của Phaolô. Người khác nói: Ta là của Abôlô và cứ thế. Trong vòng Hội Thánh Côrinhtô đã có “Hội Thánh của Phaolô”“Hội Thánh của Abôlô”, thực vậy đã có những hội nhỏ ở bên trong Hội Thánh. Thay vì có lòng trung thành không dời đổi đối với Đấng Christ và đối với sự hiệp một của toàn thể Hội Thánh, họ đã tuyên bố trung thành với chỉ một giáo sư và với một nhóm nhỏ hay một tốp người trong Hội Thánh đã chia sẻ cùng những quan điểm với họ.
Thái độ nầy là một chứng ung thư đang lan rộng khắp toàn thể Hội Thánh. Nó làm buồn lòng Phaolô giống như nó sẽ làm đau lòng bất cứ một vị Mục sư nào. Ông chẳng muốn dự phần vào đó. Ông nói trong 2.2: “Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác [không phải là chi thể trong bất cứ một sự chia rẽ ích kỷ nào của họ] ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự”. Nói cách khác, lòng trung thành của Phaolô không đặt vào bất cứ nhóm nào trong Hội Thánh, mà đặt nơi một mình Đấng Christ.
Khuynh hướng con người chúng ta trong khi nghiên cứu một phân đoạn Kinh Thánh là hay suy nghĩ như thế nầy: Wow, Hội Thánh tại thành Côrinhtô chắc chắn là một mớ hỗn tạp rồi”. Nếu chúng ta không cẩn thận, chúng ta sẽ quên không những Phaolô đang viết cho Hội Thánh tại thành Côrinhtô, mà ông còn viết cho các tín hữu và các Hội Thánh địa phương trong mọi thời đại nữa. Chúng ta hãy cẩn thận coi chừng chống lại cái bẫy chỉ lưu ý đến những sự dạy của Đức Thánh Linh mà không áp dụng chúng vào chính đời sống của chúng ta. Giacơ 1.22 chép: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình”.
Căn bịnh chia rẽ trong Hội Thánh đã có ở chung quanh kể từ khi có Hội Thánh. Nhiều thế hệ vô số các vị Mục sư và cấp lãnh đạo đã đánh trận với căn bịnh nầy rồi. Đôi khi chúng ta nghe thấy những Cơ đốc nhân cố ý nói: Chúng ta chỉ cần quay trở lại với Hội Thánh đầu tiên. Chúng ta cần phải sinh hoạt giống như Hội Thánh trong sách Công vụ Các Sứ đồ. Chúng ta cần phải sinh hoạt giống như Hội Thánh đầu tiên vậy. Trong khi tôi tán thưởng tình cảm của họ, chúng ta phải nhớ rằng Hội Thánh đầu tiên không phải là không có vấn đề đâu. Thực vậy, chúng ta biết chắc rằng Hội Thánh tại thành Côrinhtô đã đối diện với cùng một nan đề chia rẽ mà nhiều Hội Thánh khác đã đối diện với trải suốt nhiều thời đại và các Hội Thánh ngày nay phải đối mặt với.
Chia rẽ đến từ đâu vậy? Làm sao mà hội chúng của Chúa lại bị nhiễm với tinh thần phe phái như vậy chứ? Giacơ 4.1 chép: “Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao?” Trên hết mọi sự, kẻ thù của chúng ta là Satan muốn làm què quặt tính hiệu quả của Hội Thánh Đấng Christ. Hắn muốn chúng ta phải hướng nội đến nỗi chúng ta không bao giờ nhìn ra bên ngoài được. Hắn muốn chúng ta phải bị tê liệt do các nan đề ở bên trong Hội Thánh đến nỗi chúng ta không bao giờ lấn ra xã hội ngoài Hội Thánh nữa. Hắn muốn chúng ta phải hao tốn năng lực đánh trận với nhau thay vì đem Tin lành cho thế gian.
Phân đoạn nầy được cung ứng để giúp chúng ta xem xét chính Hội Thánh của mình và chính tấm lòng của chúng ta cách cẩn thận xem coi có dấu vết nào của căn bịnh kiểu Satan nầy rồi xử lý chúng với dầu của Đức Thánh Linh sao cho thật thành công. Cái điều chúng ta sẽ nhìn thấy, ấy là Bác sĩ Phaolô cung ứng phần CHẪN TRỊ cho căn bịnh, một danh sách các TRIỆU CHỨNG của căn bịnh và sau cùng kê một đơn thuốc để ĐIỀU TRỊ.
I. Phần chẫn trị cho tính xác thịt (câu 1).
A. PHAOLÔ KHÔNG THỂ KỂ NGƯỜI THÀNH CÔRINHTÔ LÀ HẠNG NGƯỜI THUỘC LINH.
Câu 1 chép: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy”. Hãy xem kỹ câu nói ấy: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng…”. Người thiêng liêng” là người gì? Ai sẽ được mô tả là hạng người thuộc linh? Tôi tin một người thể ấy có hai đặc điểm: Thứ nhứt, một người thuộc linh là người ĐÃ ĐƯỢC CỨU. Ân điển của Đức Chúa Trời đã đổ ra trên đời sống của người ấy. Người ấy đã được sanh lại, được tha tội, được cứu chuộc và được đưa vào làm con nuôi trong gia đình của Đức Chúa Trời. Đời sống của người ấy đã được Đức Chúa Jêsus Christ biến đổi. I Phierơ 2.9 chép Đức Chúa Trời đã “gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài”. Êphêsô 5.8 chép: “Vả, lúc trước anh em đang còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa”. Côlôse 1.13 chép: “Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài”.
Hơn nữa, một người được cứu đã được Đức Thánh Linh ngự vào lòng. Chúng ta học biết điều nầy vào tuần qua trong chương 2. Câu 12 chép: “Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời”. Đức Thánh Linh đã vặn mở chiếc radio trong tấm lòng người được cứu và giờ đây người ấy đang tiếp sóng đài phát thanh nói về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Thực thế, Rôma 8.9 chép: “Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài”. Cho nên, được cứu và được Đức Thánh Linh ngự vào lòng là nền tảng cho việc trở thành một con người thiêng liêng.
Thứ hai, một người thuộc linh là người biết ĐẦU PHỤC. Tuy nhiên, được cứu là điều khả thi, song chưa biết đầu phục, đã được chuộc nhưng hãy còn sống trong sự loạn nghịch với Đức Chúa Trời. Một người thuộc linh không những đã được cứu, mà người ấy còn tấn tới trong sự thông biết Chúa và vâng theo ý chỉ Ngài nữa. Ngài ấy được đầy dẫy Đức Thánh Linh hay phục theo chức năng lãnh đạo của Đức Thánh Linh. Phaolô nói trong Galati 5.16: “Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt”.
Các tín hữu tại thành Côrinhtô đã có đặc điểm thứ nhứt. Họ đã được cứu. Ở đây trong câu 1, ông gọi họ là anh em. Trong phần giới thiệu thư tín, ông nói với họ là: “đã được nên thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ, được gọi làm thánh đồ”. Vì vậy, họ đã được cứu. Họ là anh em. Họ là thánh đồ. Tuy nhiên, họ chưa phải làngười thiêng liêng. Tại sao vậy? Vì họ chưa có đặc điểm thứ nhì. Họ chưa biết đầu phục. Thay vì bước đi theo Thánh Linh, họ hãy còn bước đi theo xác thịt.
B. PHAOLÔ PHẢI KỂ NGƯỜI THÀNH CÔRINHTÔ LÀ NGƯỜI XÁC THỊT.
Hãy nhìn vào câu 1 một lần nữa: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy”. Người xác thịt là người gì? Xác thịt cơ bản có nghĩa là phàm tục. Nếu chúng ta mô tả một con thú là loài ăn thịt, chúng ta biết nó là một con thú chuyên ăn thịt. Vì vậy, khi nói một tín đồ là xác thịt là nói rằng người ấy đang bước đi theo xác thịt chớ không theo Thánh Linh.
Sống phàm tục là đề cập tới thân thể của chúng ta. Chúng ta vẫn còn là đối tượng cho bản chất tội lỗi của Ađam. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang dẫn chúng ta vào lối công bình nhưng xác thịt của chúng ta khiến chúng ta khao khát những cuộc theo đuổi ích kỷ, tội lỗi. Phaolô nói về bản thân ông trong Rôma 7.18: “Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn”. Ở trong mỗi một người chúng ta, xác thịt khao khát muốn loạn nghịch cùng Đức Chúa Trời. I Phierơ 2.11 chép: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn”.
Cũng trong câu 1, Phaolô đưa ra một minh hoạ rất sống động cho thấy xác thịt có nghĩa gì. Nó có nghĩa là con đỏ trong Đấng Christ. Giống như có những trẻ sơ sinh theo xác thịt, cũng có những con đỏ thuộc linh nữa. Mỗi Hội Thánh đều có họ. Chúng ta hãy suy nghĩ về một số đặc điểm của con đỏ.
Thứ nhứt, con đỏ là CHƯA TRƯỞNG THÀNH. Có một lý do cho thấy con đỏ chưa trưởng thành và sở dĩ như thế là vì chúng dốt nát. Dốt nát là không có khả năng tiếp thu. Bị dốt nát là không học hỏi được. Con đỏ chưa trưởng thành vì chúng không có tri thức. Chúng ta không trông mong chúng cứ chưa trưởng thành mãi đâu. Chúng ta trông mong con đỏ kêu khóc bất cứ lúc nào chúng thấy bất tiện hay ngủ, hoặc đói khác hay phải thay tã lót. Chúng hành động theo cách chưa trưởng thành vì chúng chẳng biết sao là tốt hơn thế. Chúng không có sự hiểu biết.
Một số Cơ đốc nhân hành động giống như con đỏ chưa trưởng thành. Họ thiếu hiểu biết vì họ không nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời cho chính họ. Họ trông mong Mục sư hay giáo sư khác dạy Kinh Thánh nuôi dưỡng họ. Con đỏ trông mong ai đó đến cho chúng ăn. Sẽ không sao nếu bạn có 6 tháng tuổi, nhưng nếu bạn 18 tuổi, chúng tôi mong bạn nên tự cho mình ăn. Bạn sẽ không bao giờ bước ra khỏi chặng đường con đỏ thuộc linh trừ phi bạn học biết nuôi mình bằng Ngôi Lời.
Thứ hai, con đỏ là VÔ TRÁCH NHIỆM. Chúng không có một sự tiết độ nào hết. Phần việc quan trọng của bậc làm cha mẹ là dạy cho con cái vô trách nhiệm của mình biết chịu trách nhiệm. Nó khởi sự không phải với việc ném những hạt đậu trên sàn nhà hay cứ la hét trong cửa hàng hoặc thở hỗn hễn xi tiểu trong toilet. Từ từ những đứa con nhỏ dại của chúng ta phát triển và chúng phải học biết chịu trách nhiệm phải lo làm bài tập ở nhà hay học tập để đi thi thay vì xem TV hay nói chuyện trên điện thoại suốt. Khi ấy chúng phải học biết chịu trách nhiệm tuân theo các luật lệ giao thông và lái xe sao cho an toàn. Tiếp đến, chúng học biết trả những hoá đơn của chính chúng và cứ thế cho tới chừng nào chúng trở thành những người lớn có trách nhiệm.
Có một tiến trình tương tự trong sự tấn tới về mặt thuộc linh. Khi một người trước tiên được cứu, người ấy không mong mình sẽ biết được điều gì. Sự sống trong Đấng Christ, Lời của Đức Chúa Trời, chức vụ lãnh đạo của Đức Thánh Linh, tất cả đều mới mẻ đối với người nầy. Khi người nầy bắt đầu lớn lên, người đưa ra những thắc mắc, người đòi hỏi tri thức. Người học cầu nguyện, nghiên cứu Ngôi Lời cho chính mình, và suy nghĩ sâu sắc về những vụ việc của Đức Chúa Trời. Người học biết cách đánh trận với sự cám dỗ, xây sang Đức Chúa Trời trong sự xưng tội mình, và vâng phục trong đức tin. Người bắt đầu phục vụ qua Hội Thánh, dâng phần mười cùng các của dâng cho Chúa và biết chia sẻ đức tin với những ai chưa tin Chúa. Người học gánh vác trách nhiệm cho chính sự tấn tới thuộc linh của mình. Giống như với con trẻ theo phần xác, một số con đỏ thuộc linh phát triển nhanh hơn những con đỏ khác.
Thứ ba, con đỏ luôn NƯƠNG CẬY. Nếu bạn không chăm sóc cho đứa trẻ, nó sẽ chết đấy. Nó phải được cho ăn, tắm rửa, và mặc áo quần. Con đỏ không thể tự chăm sóc mình được. Buồn thay, nhiều Cơ đốc nhân không bao giờ thoát ra khỏi chặng đường nầy. Họ cứ mãi vô trách nhiệm và liên tục đòi hỏi ai đó làm thoả mãn mọi nhu cần của họ.
Thứ tư và quan trọng nhất, con đỏ rất ÍCH KỶ. Nếu một em bé sơ sinh đói bụng, nó không hiểu mẹ nó đang bận chuyện gì khác. Nó muốn ăn liền và nó sẽ kêu la lên cho tới chừng nào bạn cho nó ăn thì thôi. Nếu một em bé chưa nhận được điều chi nó muốn, mặt nó sẽ đỏ lên và nó kêu khóc. Một trong những câu nói đầu tiên mà mấy đứa con gái của tôi đã học được là CỦA CON! Bạn thấy đấy, một em bé suy nghĩ cả thế giới đang xoay tròn ở quanh nó.
Nếu bạn muốn nhận ra những con đỏ trong bất cứ hội chúng nào, hãy nhìn vào hạng người ích kỷ, những người hay suy nghĩ cả hội chúng đang xoay quanh họ. Họ không nhìn thấy Hội Thánh là một nơi để phục vụ Đấng Christ, mà là một nơi để phục vụ cho họ. Họ không hỏi: “Tôi sẽ làm gì cho Hội Thánh?” mà là “Hội Thánh sẽ làm gì cho tôi?”
Ngay cả những Cơ đốc nhân trưởng thành có thể có những phấn đấu về tình trạng chưa trưởng thành về mặt thuộc linh. Hãy nói ra sự thực, bạn có bao giờ thấy khó chịu với người bạn đời của mình và thốt ra một việc mà bạn ước là mình không nên nói chăng? Có bao giờ bạn thấy căng thẳng và bị xúc phạm không? Sự thực, ấy là những đứa trẻ nhiều khi có những hành động như đã trưởng thành. Với cùng ý nghĩa đó, có nhiều lúc các Cơ đốc nhân trưởng thành nhất thời lại rơi vào tình trạng chưa trưởng thành. Bạn làm gì vậy? Bạn làm cho mọi việc ra ngay thẳng ư? Bạn xưng ra tội lỗi. Bạn tìm kiếm sự tha thứ và hãy tiếp tục với sự tấn tới về mặt thuộc linh.
Mỗi Hội Thánh đều có hạng người thiêng liêng và những tín hữu đó có thể được liệt vào hạng con đỏ hay xác thịt. Chẳng có gì sai với việc là một con đỏ nếu bạn là một tân tín hữu. Tuy nhiên, có một việc sai khủng khiếp với người nào đã được cứu trong một thời gian rất lâu mà lại hành động giống như một con đỏ.
Quả là một sự vui mừng khi làm chủ toạ hạng người thiêng liêng. Họ là những gì bạn của tôi gọi là: “những thuộc viên thấp kém trong lúc bây giờ”. Họ chịu trách nhiệm cho chính đời sống của họ. Họ bằng lòng phục vụ, dâng hiến và giúp đỡ. Thường thì là chuyện nhỏ đối với Mục sư về những người nào là xác thịt. Hêbơrơ 13.17 chép: “Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em”. Bạn có thể tạo ra một sự khác biệt trong đời sống của quí Mục sư và các trưởng lão. Họ phải khai trình về chức năng lãnh đạo của Hội Thánh. Bạn có ước ao muốn biết chắc chức vụ của họ là một chức vụ tràn ngập sự vui mừng chớ không phải là buồn rầu trong Ngày Phán Xét sẽ trở thành chẳng ích lợi gì cho anh em không?
Vì thế, Phaolô đã chẫn đoán căn bịnh theo xác thịt nầy. Nó đề cập tới những người nào vốn có thì giờ để trưởng thành thế mà chưa trưởng thành, hành động như con đỏ.
II. Các triệu chứng của xác thịt (các câu 2-4).
Một bác sĩ giỏi xác định phần chẫn đoán của mình về một căn bịnh bằng cách liệt kê ra các triệu chứng. Bác sĩ Phaolô giờ đây liệt kê ra bốn triệu chứng của Cơ đốc giáo theo xác thịt.
A. CƠ ĐỐC NHÂN XÁC THỊT KHÔNG THỂ NHẬN ĐƯỢC ĐỒ ĂN CỨNG (câu 2).
Phaolô nói trong câu 2: “Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt”. Sữa đề cập tới những bước đầu tiên của Cơ đốc giáo. Đồ ăn cứng đề cập tới những vấn đề phức tạp hơn trong lẽ đạo. Nếu bạn từng có một em bé sơ sinh trong gia đình, bạn hiểu ngay sự khác biệt. Một em bé không thể tiêu hoá một bữa ăn tối với thịt nướng được. Nó cần sữa mẹ hay công thức cho trẻ sơ sinh. Cũng một thể ấy, một tín đồ chưa trưởng thành không thể tiêu hoá những sự dạy quan trọng của Đạo. Người ấy cần khởi sự với sữa trước khi người ấy tiếp lấy món thịt. I Phierơ 2.2 chép: “thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn”.
Một số Hội Thánh chủ yếu sử dụng thực đơn thường ngày về sữa, và kết quả là có rất ít tín đồ trưởng thành. Tôi đã để ra ba năm phục vụ trong một Hội Thánh mà ở đó vị Mục sư chủ toạ chỉ phân phát ra các sứ điệp truyền giảng cho mỗi tuần lễ. Bất cứ lúc nào có một diễn giả khách mời đến giảng và ban ra sự dạy mạnh mẽ theo Kinh Thánh thì dân sự ăn nuốt sứ điệp ấy thật là nhanh. Họ bị thiếu ăn về mặt thuộc linh. Họ khao khát sự dạy Kinh Thánh có chất lượng. Mặt khác, các Cơ đốc nhân xác thịt thường từ chối thịt. Khi thịt được cung cấp cho họ, họ khạc nhổ nó ra ngoài. Họ muốn được nâng niu không bị thách thức. Họ không muốn vật lộn với lẽ đạo hay vật vã với chiến trường thuộc linh. Họ muốn được an nhàn và không bị quấy rối.
Đấy là trường hợp ở tại thành Côrinhtô. Đã 5 năm rồi từ khi Phaolô rời khỏi họ khi ông viết thư tín nầy. Ông nói: “Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt”. Quả là khó hiểu, là tân tín hữu họ lại cần sữa khi 5 năm đã trôi qua rồi. Giờ đây, ông muốn đưa họ đi sâu hơn. Ông muốn nuôi họ bằng đồ ăn cứng nhưng họ vẫn không chịu nổi khi tiếp lấy đồ ăn ấy. Họ vẫn còn là xác thịt.
Tác giả thơ Hêbơrơ đã đối mặt với cùng nan để giống như Phaolô. Hêbơrơ 5.12-13 chép: “Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu”.
Có một ứng dụng trực tiếp ở đây. Nếu bạn là một tín đồ ít nhất trong năm năm, bạn phải sẵn sàng để tiếp lấy thịt. Bạn phải sống trổi hơn chặng đường dùng sữa. Vậy, hãy tự xét mình đi. Bạn có một sự hiểu biết rộng về Ngôi Lời hơn cách đây 5 năm chưa? Phải chăng bạn vâng phục Chúa hơn cách đây 5 năm? Bạn ít trưởng thành, ít vô trách nhiệm, ít nương cậy và ít ích kỷ hơn cách đây 5 năm? Nếu chưa, thì đây là cao điểm để chuyển sang trưởng thành rồi đấy.
B. CƠ ĐỐC NHÂN XÁC THỊT ĐƯỢC ĐÁNH DẤU BẰNG SỰ GANH TỴ (câu 3a).
Phaolô gõ đầu họ luôn với thực tại trong câu 3:Vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt. Không những là họ không thể tiêu hoá đồ ăn cứng trong Kinh Thánh, mà tình trạng chưa trưởng thành của họ đã thể hiện ra trong ba cách khác nhau. Phaolô hỏi: “Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?”
Chúng ta hãy suy nghĩ về từ ngữ ghen ghét. Có lẽ chữ nầy phải được dịch chính xác “ghen tương”. Ghen tương hay ganh tỵ với người khác là một dấu hiệu chỉ ra tình trạng chưa trưởng thành. Chúng ta có thể ghen tương về của cải của người khác và địa vị của họ. Hạng tín đồ xác thịt tự sánh họ với các tín hữu khác. Mặt khác, sống thoả lòng là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Phaolô đã nói trong Philíp 4.11-12: “Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được”.
Tín đồ trưởng thành biết dâng lời cảm tạ vì các ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho mình. Người rất biết ơn Đức Chúa Trời cả về vật chất cùng những ân tứ thuộc linh. Người không thèm khát của cải hay địa vị của bất cứ ai. Hạng tín đồ chưa trưởng thành không bao giờ thấy thoả lòng.
C. CƠ ĐỐC NHÂN XÁC THỊT KÍCH THÍCH SỰ TRANH CẠNH (câu 3b).
Nếu “ghen ghét” là thái độ, tranh cạnh là hành vi tuôn tràn ra từ thái độ kia. Ý nghĩa cơ bản của sự “tranh cãi” hay “chiến đấu”: Khi các Cơ đốc nhân xác thịt thấy không theo ý muốn của họ, họ mau chóng tranh cãi và chiến đấu. Một lần nữa, hình ảnh của con đỏ hiện ra trong lý trí, chụp lấy món đồ chơi chúng ưa thích từ bạn đồng trang lứa với nó.
Thi thiên 133.1 chép: “Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau thật tốt đẹp thay!” Khi người ta nghiên cứu Ngôi Lời, thờ phượng Chúa, phục vụ tùy theo các ân tứ của họ, họ đang tấn tới trong Đấng Christ. Ở đâu có sự tấn tới thuộc linh, ở đó có sự hiệp một. Ngược lại, ở đâu có ít tấn tới thuộc linh, ở đó có nhiều sự tranh cạnh. Có hai trách nhiệm ở đây. Tôi phải cung ứng cho bạn đồ ăn cứng để bạn có thể lớn lên. Tuy nhiên, tôi không thể khiến cho bạn tiếp lấy nó được. Bạn phải nuôi mình bằng Đạo rồi lớn lên vượt ra khỏi tình trạng chưa trưởng thành chỉ biết có ghen ghéttranh cạnh.
D. CƠ ĐỐC NHÂN XÁC THỊT DÍNH DÁNG VÀO NHỮNG SỰ CHIA RẼ (các câu 3c-4).
Kế tiếp trong câu 3 Phaolô nhắc tới những sự chia rẽ. Ông hỏi: “Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?” Dấu hiệu chắc chắn của căn bịnh Cơ đốc giáo xác thịt là gây ra những sự chia rẽ trong Hội Thánh, tìm cách đặt các tín hữu vào sự bất hoà với nhau. Bất kỳ người nào tìm cách chia rẽ thân thể của Đấng Christ là đang bị ma quỉ sử dụng và đắm mình trong thói ích kỷ. Rôma 16.17-18 chép: “Hỡi anh em, tôi khuyên anh em coi chừng những kẻ gây nên bè đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi. Vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà”. Đây là những gì đang làm tan vỡ tấm lòng của Phaolô. Ông đã nói rồi trong 1.10: “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau”.
Thực vậy, I Têsalônica 5.14 cho chúng ta biết phải làm gì với những kẻ gây ra sự phân rẽ. Câu Kinh Thánh ấy nói: “Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy ba…”. Ăn ở bậy bạ được dịch là “không sắp đặt trước” hay “lạc lối”. Hãy hình dung cuộc diễu binh xem. Những bộ đồng phục được ủi thẳng tắp. Mấy cái nút áo được đánh thật bóng. Các đôi giày bóng láng hẳn lên. Những thứ vũ khí được lau chùi sạch sẽ và cũng bóng láng. Mỗi người lính bước đi đồng bộ trọn vẹn với cả nhóm. Họ đi, đứng, và đổi góc thật là chuẩn. Hàng ngũ thật chỉnh tề, ngay ngắn. Không một người nào đứng ở ngoài hàng. Bạn nhìn thấy cả nhóm như một tổng thể, chớ không như những cá nhân. Giờ đây, hãy hình dung một người đứng ở phía sau xem. Anh ta quên đội nón. Áo blouse của anh ta không có nút gài. Bộ đồng phục của anh ta thì nhàu nát. Vũ khí của anh ta thì dơ bẩn. Anh ta hay liếc ngang liếc dọc. Anh ta đi chậm bước so với người khác. Anh ta không đồng nhịp với cả nhóm. Mọi sự bạn cần là một người giống như thế và bạn mất sự cân đối của cả nhóm. Thay vì nhìn thấy họ như một tổng thể, mắt của bạn bị kéo đến người lính vụng về kia. Anh ta là sự đứt quãng. Anh ta đang ở chỗ lạc lối.
Kẻ ăn ở bậy bạ là những kẻ đang lạc lối với phần còn lại của Hội Thánh. Họ đứt quãng với sự hiệp một của Hội Thánh. Họ đang ở trong sự chống đối. Gót chân của họ rất dơ bẩn. Họ than vãn. Họ chỉ trích. Họ không xem trọng cấp lãnh đạo. Họ bày ra sự phân rẽ và tranh cạnh. Họ tìm cách lôi kéo người khác chạy theo quan điểm của họ. Gây ra những sự chia rẽ và nhiều bất đồng trong Hội Thánh là những lý do cho kỷ luật của Hội Thánh. Tít 3.10 chép: “Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ”.
Đấy chính xác là những gì đang xảy ra tại thành Côrinhtô. Họ đầy dẫy với ghen ghét, tranh cạnh và phân rẽ rồi ăn ở như người thế gian. Họ không xử sự như con trai, con gái của Đức Chúa Trời hằng sống, mà như hạng người không tin Chúa sống không nguyên tắc ở ngoài Hội Thánh.
Cho phép tôi cung ứng cho bạn một trường hợp cụ thể về sự phân rẽ trong Hội Thánh. Đây là một tín đồ bị bối rối trước sự việc đang diễn ra. Thay vì đi đến Mục sư hay trưởng lão, những người có thẩm quyền để giúp đỡ cho ông ta, ông ta đi gặp một tín hữu khác. Ông ta tìm cách khiến cho họ nhìn thấy vấn đề theo quan điểm của ông ta. Ông ta đưa ra những giả định thường là dối trá. Ông ta nói ra những việc như Nhiều người nói lắm… hay Nhiều người trong chúng ta cảm thấy… hoặc Nếu có việc gì không thay đổi hết thảy chúng ta sẽ đi …
Bịnh hoạn rồi, có phải không? Đấy chắc chắn không phải là thuộc linh đâu, mà thuộc về xác thịt. Đấy chắc chắn không phải là sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, có phải không? Tôi đã nhìn thấy nhiều Hội Thánh bị tê liệt bởi cách xử sự có tính chia rẽ mà hội chúng bị phân ra làm hai. Tôi tuyệt đối dám chắc là Satan đang gào lên với thích thú mỗi lần chuyện nầy xảy ra.
Đấy là thái độ đang thịnh hành trong Hội Thánh Côrinhtô. Như đã chứng kiến điều nầy, Phaolô nhắc cho họ nhớ trong câu 4 về những điều ông đã nói rồi ở 1.10-13. Ông nói: “Có người thì nói: Ta là môn đồ của Phao-lô; kẻ thì rằng: Ta là của A-bô-lô, vậy anh em há chẳng phải là người cũng như kẻ khác sao?” Đúng là tội lỗi vì các nhân tố phát triển quanh Phaolô và Abôlô và đúng là tội lỗi khi điều nầy xảy ra trong Hội Thánh ngày nay. Hãy lắng nghe, nếu lòng trung thành của bạn đặt trọn vào bất cứ vị giáo sư nào dạy Đạo, khi ấy chúng ta đã quên Đấng Tác Giả của Ngôi Lời. Phân đoạn Kinh Thánh nầy cũng rất phong phú không thể hoàn tất trong một sứ điệp. Tuần tới chúng ta sẽ trở lại và xem xét Đơn Thuốc Dành Cho Tình Trạng Xác Thịt. Cho phép tôi kết thúc với phần trưng dẫn nầy từ G. Campbell Morgan:
Người ta nói, chúng tôi hiểu xác thịt có nghĩa gì rồi. Đó là sự đam mê xác thịt, trần tục. Đam mê xác thịt là gì? …Những cuộc tranh luận làm cho lý trí bị lệch hướng đối với việc lấy Đấng Christ và thập tự giá của Ngài làm trọng tâm là xác thịt và trần tục. Chúng ngăn trở sự phát triển. Chúng ngăn cản Hội Thánh làm tròn chức năng của Hội Thánh, và mọi sự nầy kết quả từ việc phục theo xác thịt, mặt thấp kém hơn của con người tự nhiên.
Chúng ta hãy nói với sự tin quyết: Không phải ở đây đâu! Chúng ta là một thân trong Đấng Christ. Chúng ta có nhiều chi thể. Chúng ta chớ sống theo xác thịt mà phải trở thành người thiêng liêng, được kết hiệp để làm vinh hiển cho một mình Đấng Christ mà thôi!
***

Comments

BH-Thắng Hơn Cơ đốc Giáo Theo Xác Thịt (Phần 1) – 1Côr.3:1-9 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *