HomeBHKT BÀI HỌC KINH THÁNHBHKT.7.Thơ Tín đến Khải H.BHKT.7a.Thơ Tín DàiBH-Sự Dồ Dại Của ĐCT – 1Côr. 1:18-25
BH – Sự Dồ Dại Của Đức Chúa Trời 
Loạt Bài “I CÔRINHTÔ HỘI THÁNH GẶP RẮC RỐI”
Soạn dịch: Đoàn Phan Danh
 
I Côrinhtô 1.18-25
Câu 20 chép: “Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không?” Nói tới sự dồ dại… vào cuối tuần nầy ở siêu thị Fort Worth, một người tìm cách lấy cắp bốn giá thịt sườn. Có người phát hiện ra hắn rồi báo động cho cảnh sát. Khi cảnh sát đuổi bắt, tên trộm bỏ lại mấy miếng thịt sườn rồi biến mất luôn, đúng ra hắn đã chui xuống lổ cống trên đường phố. Hắn đứng chống nạnh rồi biến mất y như chiếc hoả tiển vậy, viên cảnh sát R.M. Salazar nói. Rõ ràng, đã chui ra lổ cống khác rồi trở lại nơi xãy ra tội phạm. Hắn đứng trong đám đông quan sát đội giải cứu kỷ thuật của Phòng cháy chữa cháy lo dựng cái thang ba chân và, sử dụng các loại dây đai và dây thừng, họ xuống dưới cống để tìm kẻ cướp kia. Tên trộm vênh váo đến nỗi hắn nói với nhân viên quay phim của đài truyền hình đang có mặt ở đó. Hắn xưng nhận hắn biết kẻ tình nghi rồi nói với nhân viên quay phim: Họ sẽ không bao giờ bắt được hắn đâu, hắn là gã hào nhoáng.
Tuy nhiên, vài phút sau đó, khi bước lên xe bus trong thành phố, nhân viên cảnh sát kia đã nhìn thấy hắn và hắn bị bắt. Khi các phóng viên hỏi tại sao gã không bỏ trốn đi, một viên cảnh sát đáp:Có người không thể bỏ đi một mình được. Kẻ tình nghi nghĩ rằng hắn rất khôn khéo, nhưng việc hắn bị bắt minh chứng cho thấy hắn rất là dồ dại.
Đấy chính xác là lẽ đạo của phân đoạn Kinh Thánh gốc hôm nay, sự khôn ngoan của con người minh chứng sự dồ dại. Tuần vừa qua, chúng ta đã học biết rằng một trong những nan đề của Hội Thánh Côrinhtô, ấy là có những sự chia rẽ“tranh cạnh” giữa vòng họ. Hội Thánh bị chia rẽ bởi lòng trung thành với các vị giáo sư và những ý tưởng khác nhau. Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay tiếp tục sự dạy của Phaolô về lẽ đạo ấy.
Trong câu 25 Phaolô nói: “Bởi vì sự dồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta”. Người Hy lạp cổ rất ưa thích triết lý. Thực ra từ “triết lý” ra từ chữ philosophia có nghĩa là “ưa thích sự khôn ngoan”. Những sử gia cho chúng ta biết có khoảng 50 hệ thống triết học khác nhau cùng tranh đua để được chấp nhận trong thời của Phaolô. Mỗi thứ triết học ấy có quan điểm riêng về nguồn gốc, bản chất, ý nghĩa và số phận của con người. Hôm nay, chúng ta sẽ mô tả các thứ triết học đa dạng nầy như QUAN ĐIỂM CỦA THẾ GIAN. Thứ triết lý nầy giống như sự thừa thải của các hệ phái khác nhau hôm nay với các luận điểm thần học khác nhau.
Người ta dò theo, lắng nghe rồi chạy theo các thứ triết lý cùng những triết gia mà họ ưa thích cũng y như tranh cãi, bàn luận nghịch lại các thứ triết học đối lập. Là dân sự từ nền văn hoá đó, họ đã được cứu, rồi gia nhập vào Hội Thánh, nhiều người đã đem vào đấy cùng với họ các thứ triết học của con người. Vì lẽ đó, họ đã chia ra, không những bởi lòng trung thành với các giáo sư dạy Kinh Thánh, mà còn bởi các tư tưởng của triết học nữa. Sứ điệp của Phaolô dành cho họ, ấy là tất cả triết lý của con người đều dựa theo trí hiểu có hạn của con người. Mọi sự ấy chỉ là tự biện, không đáng tin cậy và phân rẽ. Phaolô đã viết trong Côlôse 2.8: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng”. Có thể bạn nghĩ như sau: Thưa Mục sư, đây là cổ sử. Tại sao cần phải lo lắng về việc nầy hôm nay?
Thời Đại Khai Sáng [thế kỷ 18 ở châu Âu], các học giả bắt đầu từ chối uy quyền của Kinh Thánh rồi dạy dỗ chủ nghĩa duy lý [rationalism]. Quan niệm nầy ai cũng biết là chủ nghĩa đổi mới [modernism]. Sau nầy G. Campbell Morgan đã viết:Tôi không thích gọi đó là chủ nghĩa đổi mới. Đó là một thứ đồ cổ đã được đào bới lên”. Giờ đây, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hậu-modernism loại bỏ bất kỳ lẽ thật duy lý nào và chấp nhận không có gì là tuyệt đối. Ở phần cuối hậu-modernism dạy rằng chẳng điều gì có ý nghĩa hết. Nếu chẳng điều gì có ý nghĩa thì đời sống chúng ta vô mục đích và chúng ta bị bỏ lại chẳng có gì hết, trừ ra thất vọng và ngã lòng. Dù chúng ta có biết điều nầy hay không, các thứ triết lý ấy cứ tiếp tục xâm nhập vào Hội Thánh. Đấy là lý do tại sao Phaolô đã nói trong câu 17, Phaolô nói: “Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi … rao giảng … chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích”. Lời nói khôn khéosophia logou, lời nói khôn ngoan. Phaolô tỏ ra Lời của Đức Chúa Trời, tin lành là siêu việt đối với lời lẽ khôn khéo của con người.
Chúng ta hãy chia phân đoạn Kinh Thánh nầy ra làm bốn phần. Những Tác Dụng Nơi Sự Khôn Ngoan Của Đức Chúa Trời (câu 18); Tính Hư Không Nơi Sự Khôn Khéo Của Con Người (các câu 19-20); Thuốc Giải Cho Sự Khôn Khéo Của Con Người (câu 21)Tính Siêu Việt Nơi Sự Khôn Ngoan Của Đức Chúa Trời (các câu 22-25).
I. Những TÁC DỤNG nơi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (câu 18).
A. SỨ ĐIỆP NÓI TỚI THẬP TỰ GIÁ LÀ DỒ DẠI ĐỐI VỚI THẾ GIAN.
Phaolô nói trong câu 18: “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại…”. Lời giảng về thập tự giá là sứ điệp tin lành cho rằng Chúa Jêsus là Con thiêng liêng của Đức Chúa Trời, Ngài ngự đến để sống trong xác thịt con người, chịu chết trên thập tự giá để trả giá cho án phạt vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại từ kẻ chết. Đây là một sứ điệp rất đơn sơ. Phaolô không dùng “sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích” (câu 17).
Sứ điệp Tin lành vốn đơn sơ và thẳng thừng đến nỗi thế gian xem sứ điệp ấy là sự dồ dại tôn giáo. MacArthur viết: “Đức Chúa Trời đã lấy hình thể của con người, chịu đóng đinh trên thập tự giá, và đã sống lại để cung ứng sự tha tội cho con người và lối vào thiên đàng là một ý tưởng quá đơn sơ, dồ dại và khiêm nhường đến nỗi con người tự nhiên không chấp nhận được. Một người (thậm chí là Con của Đức Chúa Trời) có thể chết trên một thanh gỗ cặm trên một ngọn đồi trọc là một phần của thế gian rồi bởi đó quyết định số phận của mỗi người từng sống đây dường như là dồ dại lắm. Ở đó không có chỗ cho công trạng của con người, thành đạt của con người, hiểu biết của con người, hay sự tự hào của con người”.
Từ ngữ dồ dại ra từ chữ Hy lạp moria từ đó chúng ta mới có chữ “moron” (khờ dại, thoái hoá). Đối với thế giới chưa được cứu, tin lành là khờ dại, ngu xuẫn, và ngớ ngẩn. Sự khôn ngoan của con người không thể hiểu được thập tự giá. Bạn có nhớ Mathiơ 16 không? Trong chương quan trọng đó Phierơ đưa ra lời công bố tuyệt vời rằng Chúa Jêsus là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống. Tuy nhiên, một vài câu sau đó, khi Chúa Jêsus phán dạy các môn đồ Ngài về sự chết hầu đến của Ngài trên thập tự giá, Phierơ đã quở trách Chúa mà nói: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” (Mathiơ 16.22). Chúa Jêsus đáp rất sắc bén: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta” (câu 23). Phierơ nhấn mạnh sự hiểu lầm của ông về sứ mệnh của Chúa Jêsus khi ông nổ lực ngăn cản người ta đến bắt Ngài bằng cách chém đứt tai của tên đầy tớ. Thế rồi, đến sau khi có sự sống lại thì ông mới hiểu ra. Nhiều năm về sau, ông viết rằng “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh” (I Phierơ 2.24).
Giống như Phierơ lúc ban đầu, con người hiện đại là con người duy lý. Họ chỉ tin những gì họ có thể nhìn thấy mà thôi. Họ không thể hiểu được sự thuộc linh. Vì lẽ đó tin lành là dồ dại đối với họ. Hãy chú ý Phaolô mô tả hạng người thể ấy là những người hư mất. Họ là những con người đang trên đà bị hủy diệt bởi sự phán xét của Đức Chúa Trời.
B. SỨ ĐIỆP NÓI TỚI THẬP TỰ GIÁ LÀ QUYỀN PHÉP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỂ CỨU MỌI KẺ TIN.
Phaolô cũng nói trong câu 18 rằng “lời giảng về thập tự giá, … về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời”.Quyền phép ra từ chữ dunamis. Đây là từ ngữ mà từ đó chúng ta mới có chữ “động lực, năng nổ” “dynamite”“dynamic”. Đang khi sự khôn ngoan của con người là tự biện, sự khôn sáng của Đức Chúa Trời, Lời của Đức Chúa Trời, sứ điệp của Đức Chúa Trời là một thứ sức mạnh, một thứ quyền phép!
Cho chúng ta, là kẻ được cứu chuộc (chúng ta thường nói tới ơn cứu rỗi bằng thì quá khứ, nhưng đúng ra chúng ta đang ở trong tiến trình của ơn cứu ấy), lời giảng về thập tự giá rất có quyền phép. Hãy suy nghĩ về việc ấy xem. Đức Chúa Trời đã bắt lấy chúng ta, hoàn toàn là hạng tội nhân đồi bại đã ở trong tình trạng thù địch với Đức Chúa Trời rồi biến đổi chúng ta. Ngài xưng công bình chúng ta, tuyên bố chúng ta là công bình. Ngài tái sanh, ban cho chúng ta một bổn tánh mới. Ngài cho chúng ta làm con nuôi, đưa chúng ta vào trong gia đình đời đời của Ngài. Ngài chuộc lấy chúng ta, mua lấy chúng ta từ bản chất tội lỗi. Ngài chuộc tội cho chúng ta, trả đủ giá cho tội lỗi chúng ta. Ngài làm cho chúng ta được phục hoà, làm cho chúng ta được hoà thuận lại. Ngài chọn lấy chúng ta, chọn lấy chúng ta thuộc về Ngài cho đến đời đời. Ngài đóng ấn chúng ta, ban cho chúng ta Thánh Linh của Ngài. Ngài làm cho chúng ta được nên thánh, khiến chúng ta ra giống như Ngài. Ngài bảo hộ chúng ta, gìn giữ chúng ta không bị hư mất lại nữa. Ngài còn làm cho chúng ta được vinh hiển nữa, giải phóng chúng ta hoàn toàn ra khỏi sự hiện diện của tội lỗi. Như một cụ truyền đạo thường nói: Tin lành là quyền phép đủ để cứu từ người cao kỳ cho đến người hèn hạ!
Mọi sự trong số đó và còn nhiều nữa đều vốn có trong sứ điệp Tin lành. Quyền phép không ở trong nhà truyền đạo. Quyền phép không ở trong bạn khi bạn chia sẻ sứ điệp ấy. Quyền phép ở trong sứ điệp. Chúng ta có thể gắn nhãn cho Tin lành: Coi chừng dễ vỡ [handle with care] vì cớ quyền phép bùng nổ của nó. Chúng ta không phải dậm mắm thêm muối vào sứ điệp ấy. Chúng ta không phải làm cho sứ điệp ấy ra dễ chấp nhận. Chúng ta không phải trợ giúp cho sứ điệp đó. Chúng ta chỉ phải lo công bố ra sứ điệp ấy mà thôi. Còn Đức Chúa Trời, Ngài lo phần còn lại.
Đôi lúc chính Hội Thánh không tin nơi quyền phép của Tin Lành. Cách đây mấy năm tôi có nghe một bài giảng, trước tiên tôi nghe câu: Sứ điệp không thay đổi nhưng phương pháp phải thay đổi. Tôi nghĩ đây là một ý tưởng rất quan trọng. Chúng ta cứ giảng dạy cùng một sứ điệp, nhưng theo các phương pháp mới mẻ, hiệu quả, tân tiến hơn. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, và tôi đã xem xét ý tưởng nầy cần phải áp dụng, dường như trong nhiều trường hợp không những có các phương pháp thay đổi, song sứ điệp cũng đà thay đổi. Thay vì công bố kẻ hư mất là “hạng tội nhân ở trong tay của một Đức Chúa Trời đang thạnh nộ” họ tuyệt vọng đang cần có Cứu Chúa, sứ điệp đã trở thành: thể nào Chúa Jêsus đã cung ứng mục đích cho đời sống của bạn.
Đấng Christ không rãi huyết quí báu của Ngài trên cây thập tự để cung ứng mục đích hay phương hướng cho đời sống của bạn đâu! Ngài đã chịu chết để Ngài cứu bạn ra khỏi mọi tội lỗi rồi biến đổi đời sống của bạn đấy thôi! Làm ơn đừng che giấu quyền phép của sứ điệp với những lời lẽ khôn khéo. Đấy chính xác là lý do tại sao Phaolô đã nói trong 2.1-2: “Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời. Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự”.
II. Tính HƯ KHÔNG nơi sự khôn khéo của con người (các câu 19-20).
A. MINH HOẠ TỪ ÊSAI (câu 19).
Trong câu 19, Phaolô trưng dẫn từ Êsai 29.14: “Cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết”. Cho phép tôi đọc cho bạn nghe từ nguyên bản, Êsai 29.13-14: “Chúa có phán rằng: Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm; sự chúng nó kính sợ ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho; Vì cớ đó, ta sẽ cứ làm việc lạ lùng giữa dân nầy, sự lạ rất là lạ, đến nỗi sự khôn ngoan của người khôn ngoan sẽ ra hư không, sự thông sáng của người thông sáng sẽ bị giấu”.
Tôi thích đọc lịch sử rồi xem Kênh Lịch Sử vì lịch sử có một phương thức giúp chúng ta hiểu rõ hiện tại và tương lai. Đấy là trường hợp giống như ở đây. Nội dung của phân đoạn Kinh Thánh nầy là một trận chiến sắp xảy ra. San-chê-ríp, vua Asiri đang hoạch định chinh phục xứ Giu-đa giống như ông ta đã làm với xứ Israel. Đức Chúa Trời hứa với vua xứ Giu-đa, Ê-xê-chia rằng thành Jerusalem sẽ không bị chiếm. Chiến thắng vang dội nầy sẽ không đến ngay vì sức mạnh quân sự của xứ Giu-đa hay chức năng lãnh đạo về quân sự của Ê-xê-chia. Qua tiên tri Êsai, Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ làm một việc lạ lùng, một sự lạ rất là lạ đến nỗi “sự khôn ngoan của người khôn ngoan sẽ ra hư không”. Đêm đó Đức Chúa Trời sai một thiên sứ vào trại quân của quân Asiri. Thiên sứ đã giết 185.000 quân Asiri chỉ trong một đêm. Những kẻ sống sót đã chạy trốn về quê hương và nhà vua bị các con trai ruột của mình giết đi. Bạn có thể đọc toàn bộ câu chuyện ở II Các Vua 17-19.
Mặc dù lời tiên tri của Êsai đã có sự ứng nghiệm ngay lập tức trong sự bại trận của quân Asiri, nó còn sự ứng nghiệm tối hậu nơi Đấng Christ nữa. Việc lạ lùng là sự đến của Chúa Jêsus. Israel đã có danh của Đức Chúa Trời và Lời của Đức Chúa Trời, thế mà họ đã lo dạy dỗ những ý tưởng cùng triết lý của chính họ. Qua Tin Lành, Đức Chúa Trời sẽ làm cho sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan ra hư không”.
B. CÁC THẮC MẮC RA TỪ PHAOLÔ (câu 20).
Ở câu 20, Phaolô đưa ra bốn thắc mắc: “Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không?” Thực sự ba câu đầu tiên là một câu đã hỏi bằng ba cách khác nhau. Thắc mắc thực sự là: Người có tất cả những câu trả lời đang ở đâu?
Hãy suy nghĩ về điều nầy xem. Con người có biết nhiều hơn không? Có phải chúng ta đang ở trong hoà bình không? Có phải chúng ta ít có bạo lực? Có phải chúng ta đang sống với thế giới nghèo khổ, đói khát, dốt nát và tội ác không? Chắc chắn là chúng ta đang tiến bộ về mặt kỷ thuật. Chúng ta đã học hỏi nhiều hơn. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin. Tuy nhiên, chúng ta chưa phải là hạng người tốt hơn đâu! Chúng ta chẳng tiến bộ nhiều về mặt đạo đức. Hai người đã bị giết ở đây tuần nầy trong thành phố của chúng ta. Chúng ta có nhiều thứ nhưng chúng ta cũng chia sẻ nhiều thứ. Chúng ta có các loại điện thoại di động và thư điện tử, nhưng chúng ta không hiểu nhau tốt hơn. Mặc dù con người đã tiến bộ trong nhiều lãnh vực, bản chất của con người chẳng khác gì hơn thời cổ xưa. Mọi tri thức chúng ta kiếm được không khiến chúng ta ra hạng người tốt hơn.
Vì vậy, ai có những câu trả lời? Người khôn ngoan nào có thể giải thích mọi sự nầy đang ở đâu? Thầy thông giáo, tác giả của những quyển sách, người nào có thể trả lời cho những câu hỏi nầy đang ở đâu? Kẻ tranh cãi, kẻ bàn luận, kẻ biện giải duy lý, kẻ có thể bàn bạc những điều nầy đang ở đâu? Chẳng có câu trả lời. Không một ai trả lời. Con người không thể tốt hơn được. Trưng dẫn một câu thành ngữ: Nhiều việc càng thay đổi, họ vẫn cứ y nguyên.
Phaolô hỏi: “Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không?” Phải! Mọi sự khôn ngoan của thế gian không thể làm thay đổi bản chất của con người. Lý do sự khôn ngoan của thế gianlà dồ dại là vì nó không hề chỉ ra nan đề gốc của chúng ta: TỘI LỖI. Giêrêmi 8.9 chép: “Những kẻ khôn sáng bị xấu hổ, sợ hãi, và bị bắt. Chúng nó đã bỏ lời của Đức Giê-hô-va; thì sự khôn ngoan nó là thể nào?”
III. THUỐC GIẢI cho sự khôn khéo của con người (câu 21).
Câu 21 chép: “Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy”. Trước tiên, Phaolô nói cho chúng ta biết thế gian cậy sự khôn ngoan chẳng nhìn biết Đức Chúa Trời. Qua mọi thứ tiến bộ trong các bộ môn khoa học và nghệ thuật, sự khôn ngoan của thế gian đã thất bại không đạt được sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Tại sao vậy? Vì con người sống suy đồi. Trong tấm lòng đen thui của họ chẳng có chi khác ngoài sự tối tăm. Họ sống trong sự chối bỏ và loạn nghịch chống lại tri thức thật về Đấng Tạo Hoá của mình. Rôma 1.20-22 chép: “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bản tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại”.
Tuy nhiên, vì cớ lòng thương xót cả thể của Ngài, trong cái thế giới đang phá sản nầy, đúng kỳ hạn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài đến và công bố sứ điệp để cứu những kẻ tin. Khi Phaolô nói tới sự giảng dồ dại của chúng ta”, ông không có ý nói sự rao giảng là dồ dại. Ông không đề cập tới một nhà truyền đạo bóng bẩy với đầu tóc thật to, một bộ vest rực rỡ, cùng một giọng nói nặng nề. Cái điều ông muốn nói, ấy là Tin Lành dường như là dồ dại đối với mọi người. Dầu vậy, sự dồ dại nầy là hy vọng duy nhứt của con người.
Tuần nầy tôi có tiếp xúc với một số nhà vô thần và những kẻ theo thuyết bất khả tri trên diễn đàn Internet. Có một người kia phát biểu đại loại như sau: Cái điều tôi không hiểu về quí vị, những Cơ đốc nhân, ấy là quí vị luôn luôn đặt các niềm tin của mình vào người khác. Quí vị có thể tin bất cứ điều chi quí vị muốn tin nhưng chẳng tìm cách gắn niềm tin ấy nơi tôi. Câu nói của ông nầy phản ảnh trọn vẹn cách thức thế gian đang nhìn xem Tin lành là dồ dại. Dù thế, hãy lắng nghe I Côrinhtô 3.18: “Chớ ai tự dối mình: nếu có ai trong vòng anh em tưởng mình khôn ngoan theo cách đời nầy, hãy trở nên dại dột, để được nên khôn ngoan”.
IV. TÍNH SIÊU VIỆT nơi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (các câu 22-25).
A. NGƯỜI GIUĐA ĐÒI MỘT DẤU LẠ.
Câu 22a chép: “Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ…”. Ngay cả trong sự hiện diện của các phép lạ đáng kinh ngạc của Chúa Jêsus, người Giuđa tiếp tục tỏ ra vô tín và đòi nhiều dấu lạ chỉ ra lai lịch của Chúa Jêsus. Thí dụ, khi Chúa Jêsus khiến cho người ăn xin mù được thấy, mấy kẻ láng giềng của người mù nầy từ chối không chịu tin phép lạ chân chính đã xảy ra. Phản ứng của họ, theo Giăng 9.9 là: “Người thì nói: Ấy là hắn; kẻ lại nói: Không phải, song một người nào giống hắn”.
Trong Mathiơ 12.38-40, các cấp lãnh đạo tôn giáo người Do thái nói với Chúa Jêsus: “Bẩm thầy, chúng tôi muốn xem thầy làm dấu lạ”. Yêu cầu như thế giống như yêu cầu một thầy phù thủy để xem một mẹo vặt vậy. Họ muốn Chúa làm phép lạ cho họ xem. Ngài phán cùng họ: “Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na. Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm”. Nói cách khác, phép lạ duy nhứt Ngài sẽ ban cho họ là sự chết và sự sống lại của Ngài.
Ở giữa những cơn thử thách của Chúa Jêsus, Ngài bị đem ra trước mặt Hếrốt Antiba để chịu xét xử. Luca 23.8-9 chép: “Vua Hê-rốt thấy Đức Chúa Jêsus thì mừng lắm; vì lâu nay vua muốn gặp Ngài, nhân đã nghe nói về chuyện Ngài, và mong xem Ngài làm phép lạ. Vậy, vua hỏi Ngài nhiều câu, song Ngài không trả lời gì hết”. Khi Chúa Jêsus bị treo trên thập tự giá, các cấp lãnh đạo tôn giáo đã chế giễu Ngài. Họ nói: “Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được. Nếu phải Vua dân Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự đi, thì chúng ta mới tin” (Mathiơ 27.42). Bây giờ hãy nhìn vào câu 23 trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta. Dù người Do thái đòi một dấu lạ, Phaolô nói: “chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu…”Gương xấu ra từ chữ skandalon có nghĩa là “một sự xấu hổ, hay khó chịu”. Khi Phierơ quở Chúa, Chúa Jêsus đã gọi ông là gương xấu (Mathiơ 16.23). I Phierơ 2.7-8 chép: “Vậy nên, cho anh em là kẻ đã tin, thì là đá quí; nhưng cho những kẻ không tin, thì Hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra, bèn trở nên đá góc nhà, là Đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã; họ bị vấp đá đó, vì không vâng phục Đạo…”.
Chúa Jêsus phán về chính mình Ngài trong Mathiơ 21.44: “Kẻ nào rơi trên hòn đá ấy sẽ bị giập nát, còn kẻ nào bị đá ấy rớt nhằm thì sẽ tan tành như bụi”. Tin Lành là thứ gây tổn thương. Chúng ta vấp phải Tin lành rồi té ngã. Chúng ta bị giập nát bởi tội lỗi của chúng ta và xây sang Đấng Christ bởi đức tin. Tuy nhiên, hòn đá phán xét của Đức Chúa Trời sẽ rơi trên người nào chối bỏ Đấng Christ và khiến cho người ấy tan tành như bụi.
Người Do thái trông mong một Đấng Mêsi bằng xác thịt, chớ không phải một Đấng thuộc linh. Họ đã từ chối thập tự giá như một gương xấu, nhưng đây là dấu lạ mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Vẫn còn có nhiều người đang chạy tìm những dấu lạ, song lại vấp ngã trước thập tự giá. Có người tìm kiếm hình ảnh của Mary bên bờ tường một toà nhà. Có người tìm những sự chữa lành, tiếng lạ, hay các phép lạ khác. Có người tìm kiếm những điềm chiêm bao cùng các sự hiện thấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nhìn thấy dấu lạ của Đức Chúa Trời trong thế hệ nầy, chúng ta chẳng cần phải tìm đâu khác hơn là thập tự giá. Không một dấu lạ nào sẽ được ban cho nữa đâu.
B. NGƯỜI HY LẠP TÌM SỰ KHÔN NGOAN.
Một lần nữa, câu 22 chép: “…người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan”. Người Hy lạp không ưa thích nhiều về lẽ thật giống như khi bàn bạc về tư tưởng của họ. Có nhớ khi Phaolô ở trên đồi Areopagus hay đồi Mars không? Công vụ Các Sứ đồ 17.21 chép: “Vả, hết thảy người A-thên và người ngoại quốc ngụ tại thành A-thên chỉ lo nói và nghe việc mới lạ mà thôi”. Khi họ nghe Phaolô giảng về sự sống lại của Chúa Jêsus, họ đã nhạo báng ông.
Có nhiều người vẫn muốn tôn cao sự khôn ngoan của riêng họ bằng cách giảm thiểu đi Tin lành thành những sự kiện thuộc trí khôn. Cái điều họ thất bại không hiểu được, ấy là Tin lành vốn dĩ nhiều hơn chữ viết trên giấy nữa. Tin lành còn hơn cả một loạt các biến cố. Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời (câu 18). Theo 2.14, hạng người thiên nhiên không thể hiểu được tin lành, mà hạng người biết phân biện về mặt thuộc linh thì mới hiểu được. Câu 23 nhắc cho chúng ta nhớ rằng giống như Đấng Christ bị đóng đinh vào cây thập tự là một gương xấu cho người Do thái. Ngài là sự dồ dại cho người Hy lạp nữa.
C. TIN LÀNH LÀ DẤU LẠ VÀ SỰ KHÔN NGOAN SIÊU VIỆT.
Câu 24 chép: “song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời”. Những tín hữu chơn thật, dù là người Do thái hoặc người Hy lạp, đều được “kêu gọi” hay được chọn bởi Đức Chúa Trời. Êphêsô 1.4 chép: “trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ”. Ngài là gương xấu cho người Do thái giờ đây là Đấng Mêsi đáng được tôn vinh. Ngài là sự dồ dại cho người Hy lạp giờ đây là Đấng Cứu Chuộc Hằng Sống. Ngài tỏ raquyền phép và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta!
Câu 25 chép: “Bởi vì sự dồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta”. Điều chi dường như là dồ dại cho lý trí kẻ chưa được cứu là sự khôn ngoan cả thể của Đức Chúa Trời. Điều chi dường như yếu đuối nhất của Đức Chúa Trời là sức mạnh lớn lao nhất của Ngài.
Có nhớ gã tưởng mình là lanh lẹ không? Hắn chui xuống lổ cống để trốn tránh cảnh sát. Hắn chế giễu họ trên máy thu hình. Điều chi đã xảy ra cho hắn? Hắn đã bị bắt vì sự dốt nát của chính mình. I Côrinhtô 3.19 chép: “vì sự khôn ngoan đời nầy trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột. Như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn ngoan trong mưu kế họ”. Chúng ta học được gì từ phân đoạn Kinh Thánh quan trọng nầy? Thứ nhứt, chúng ta cần phải suy gẫm luôn về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời nơi thập tự giá của Đấng Christ. Thứ hai, chúng ta cần phải nhớ, quyền phép đang hiện hữu trong sứ điệp Tin Lành. Thứ ba, chúng ta không được phân tâm, không nên hùa theo thế gian mà phải nhớ rằng sự khôn ngoan của đời nầy sẽ bị hư mất.

Comments

BH-Sự Dồ Dại Của ĐCT – 1Côr. 1:18-25 — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *