HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânBG – Tự Do Nhưng Không Độc Lập

Mục sư Nguyễn Duy Tân

Ngày 4 tháng 7, 2021 – Lễ Độc Lập Hoa Kỳ

Ngày 4 tháng 7, năm 1776 là ngày mà Quốc gia Hoa Kỳ đã tuyên bố tự do và độc lập đối với Anh quốc, vì lúc đó Đế quốc Anh đang cai trị nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Thật sự thì “tự do và độc lập” đều là những quyền bị giới hạn. Một quốc gia tự xưng là nước độc lập cũng phải tuỳ thuộc một phần nào đó vào nhiều nước khác trên thế giới, nếu không họ không thể tồn tại.

Mỗi con người của chúng ta cũng vậy. Chúng ta có quyền tự do và độc lập nhưng cũng phải chấp nhận những giới hạn của mình. Một số người bên Mỹ ngày nay không hiểu điều đó nên đòi dẹp bỏ lực lượng cảnh sát! Nhưng khi gặp hiểm nguy, họ vẫn gọi 911 vì họ không thể sống an toàn một cách độc lập!

Sau khi được độc lập, những nhà sáng lập nước Mỹ đã viết xuống Bản Tuyên ngôn Nhân quyền để làm một nền tảng lâu dài cho bất cứ một luật pháp nào mà chính phủ Mỹ sẽ soạn ra trong tương lai. Trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền nầy, họ nhấn mạnh đến nhiều quyền tự do của mọi công dân, như là quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, tự do mưu tìm hạnh phúc, tự do sở hữu đất đai tài sản, tự do sở hữu súng đạn, v.v… Họ công bố rằng đó là những quyền tự do được Đức Chúa Trời ban cho, nên không chánh phủ nào hay quốc hội nào có quyền lấy lại những quyền tự do căn bản đó.

Thật vậy, Chúa đã ban cho loài thọ tạo của Ngài những quyền tự do bất di bất dịch đó. Ngài cũng ban cho những kẻ tin nhận Ngài còn nhiều sự tự do hơn nữa! Hôm nay chúng ta cùng nhau nghiên cứu qua một số quyền tự do mà Chúa ban cho chúng ta cũng như những giới hạn của quyền tự do nầy….

I. Chỉ Có Đức Chúa Trời Mới Có Quyền Tự Do Vô Hạn:

Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Ngài dựng nên vũ trụ, muôn loài vạn vật cùng loài người. Vì thế nên Đức Chúa Trời có quyền tự do tuyệt đối. Người nào thắc mắc tại sao Chúa làm thế này hay không làm thế kia, là vì người đó không hiểu gì về thẩm quyền tối cao của Ngài và không một ai có quyền chất vấn Ngài. Ngài được tự do hành động và tự mình hành động theo ý mình mà không cần hỏi ý kiến của ai. Kinh Thánh chép:

“Ngài làm theo ý mình trong cơ binh trên trời, và ở giữa cư dân trên đất; chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?” (Đa-ni-ên 4:35).

Ngài là Đấng vô hạn và quyền năng vô hạn. Nên không có điều gì có thể hạn chế quyền tự do hay quyền năng của Ngài. Vì cớ đó đừng bao giờ chúng ta giới hạn quyền năng của Chúa khi đối diện với một nan đề nào đó trong đời sống. Có một bà cụ kia thường cầu nguyện với Chúa cho những nan đề nho nhỏ. Nhưng một hôm có một người bạn nhờ bà cầu nguyện cho một nan đề kia thì bà nói: “Chuyện đó khó quá chắc Chúa cũng phải chịu thua, làm sao tui cầu nguyện được!” Thưa anh chị em, không có nan đề nào là quá khó khăn hay quá lớn đối với Đức Chúa Trời. Vì quyền năng và quyền tự do của Ngài là vô hạn.

II. Quyền Tự Do Của Loài Người Luôn Có Giới Hạn:

Ngày nay, loài người dường như đang muốn giảm bớt những giới hạn quyền tự do của họ với mục đích để dễ phạm tội. Bên Mỹ, dù một người được cha mẹ sanh ra với giới tính là nam hay nữ, họ vẫn có thể kê khai trong các tờ đơn, ví dụ như để xin passport, giới tính của mình là nam hay nữ tuỳ theo sự lựa chọn của họ vì Toà án Tối cao của Mỹ mới vừs cho phép họ làm vậy!

Sự thật thì con người là loài thọ tạo, nên bị đủ loại giới hạn. Sự tự do của con người không phải là một quyền tự do và độc lập tuyệt đối, nhưng là một quyền tự do bị giới hạn bởi những định luật và trật tự thiên nhiên trong vũ trụ mà Đức Chúa Trời tạo dựng nên. Ngay từ đầu, Đức Chúa Trời đã cho loài người hiểu rõ lẽ thật đó qua cuộc thử nghiệm tại vườn Ê-đen. Trong Sáng thế ký 2:15-17, Lời Chúa chép rằng:

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn. Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.

A-đam và Ê-va đã không tôn trọng luật nầy nên đã chuốt lấy hậu quả vô cùng tai hại cho chính mình và cho toàn thể nhân loại! Ngày nay cũng vậy, con người chúng ta được tự do ăn uống, nhưng luật vật lý hay sinh lý không cho phép chúng ta ăn tất cả mọi thứ nào mà mình thèm muốn, hoặc là ăn quá nhiều món ăn nào đó. Có một bà kia khi mới đến xứ Mỹ thấy Cà rem bên Mỹ quá ngon và rẽ nên ăn quá nhiều trong ba tháng, sau đó bà đã bị mắc bệnh. Bác sĩ cho biết lá gan của bà đã ngưng làm việc! Ở Việt nam, vì tiết canh vịt đắc quá nên người ta lấy huyết heo làm tiết canh, có người phải bị bệnh nặng mà chết!

Cũng vậy, con người được tự do đi lại, nhưng không phải đi đâu cũng an toàn. Có một người quen của tôi thích chụp ảnh nên ngày kia mang máy ảnh và dụng cụ nặng nề đến một đồng vắng ở California có tên là Death Valley (“Thung lũng của sự chết”) để chụp hình mặt trời lặn. Để có ảnh đẹp, ông ta leo qua mấy đồi cát, đi xa vào đồng vắng. Sau khi mặt trời lặn thì trời sụp tối rất nhanh. Vì quên mang theo đèn pin, địa bàng, và nước uống nên ông và một người bạn mò mẫm mãi trong đồng vắng trong suốt 6 tiếng đồng hồ mới ra tới bãi đậu xe, tưởng đã chết vì không nhớ rằng cơ thể của mình có đủ thứ giới hạn!

Tóm lại, con người được tự do làm nhiều điều, nhưng phải nhớ họ không thể sống hoàn toàn độc lập muốn làm gì thì làm. Họ phải nhớ là mình không hoàn toàn được tự do, nhưng luôn bị lệ thuộc vào những định luật thiên nhiên của Đấng Tạo Hoá cũng như những luật lệ của xã hội. Nếu vượt quá giới hạn, họ có thể chuốc lấy những hậu quả tai hại cho đời sống.

III. Trên Phương Diện Thuộc Linh, Mọi Người Có Tội Đã Bị Mất Tự Do: 

Trên phương diện thuộc linh, sự tự do mà Chúa ban cho là sự tự do có giới hạn trong khuông khổ của những luật pháp hay điều răn của Đức Chúa Trời. Nước Mỹ là một nước tự do. Nhưng những tội phạm đang bị giam trong các nhà tù là những người đã bị mất tự do. Họ chỉ có tự do khi họ được ân xá và cho ra khỏi tù.

Cũng một thể ấy, từ khi con người phạm tội, con người đã mất tự do vì không sống theo nền tảng thánh khiết và không làm theo những luật đạo đức mà Đức Chúa Trời đã ghi trong lòng họ (lương tâm) và trong Kinh Thánh. Lời Chúa nói:

“Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót…” (Rô-ma 1:29-31).

Có thể chúng ta cảm thấy mình đâu có phạm đủ các thứ tội nêu trên. Nhưng thật ra không ai trong chúng ta dám quả quyết rằng mình không phạm một tội gì trong danh sách nầy hoặc trong Bản 10 Điều Răn. Kinh Thánh lên án tất cả chúng ta rằng:

Vì mọi người đều đã phạm tội” (Rô-ma 3:23).

Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” (Rôma 5:12)

Loài người vì phạm tội thì phải chết, nhất là chết mất trong tâm linh và trong phần linh hồn! Nhiều người lầm tưởng rằng mình có thể ăn chay, lập công đức, làm lành… thì có thể được siêu thoát khỏi hình phạt, được sống mãi cách phước hạnh trong đời sau. Nhưng loài người ngoài Chúa không có quyền tự do lựa chọn trên sự chết và sự sống đời sau của mình. “Vì mọi người đều đã phạm tội!”

IV. Chỉ Có Đấng Christ Mới Mang Đến Tự Do Thật Cho Tội Nhân:

Mọi người trên thế gian nầy đã bị Đức Chúa Trời định tội, đã mang án phạt của Ngài là sự chết đời đời của thể xác và linh hồn. Con người chỉ có thể thoát khỏi bản án của Đức Chúa Trời, bước vào sự tự do khi được Ngài ân xá mà thôi. Đây là Phúc Âm, là Tin Mừng cho nhân loại: Đức Chúa Jêsus, Con của Đức Chúa Trời, đã đến thế gian trên hai ngàn năm trước, đã lãnh chịu án phạt thay cho nhân loại trên thập tự giá. Ngài đã chịu đánh đập, chịu chết, chịu chôn, và đã chiến thắng Tử Thần. Ngài đã sống lại trong vinh hiển, đã nhận được uy quyền, năng quyền và thẩm quyền để giải cứu tội nhân, nên Ngài đã tuyên bố:

“Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do” (Giăng 8:36).

Chỉ có Chúa Giê-su mới có thể buông tha chúng ta, miễn là chúng ta bằng lòng để cho Ngài buông tha. “Buông tha” có nghĩa là giải phóng. Đức tin đến Ngàichìa khóa vạn năng để mở tất cả gông cùm tội lỗi đang trói buộc tội nhân. Xưa nay, vô số tội nhân đã thật sự được buông tha, tức là được gỉai thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, vì tội lỗi luôn trói buộc kẻ phạm tội.

Người phạm tội cờ bạc hay cá độ luôn bị nghiện những thứ đó. Người phạm tội tà dâm luôn bị nghiện dâm dục. Nghiện ngập là một hình thức của sự trói buộc. Vì ai bị trói buộc bởi tội lỗi thì trở thành tôi mọi cho tội lỗi và mất đi sự tự do của mình, tức là họ không còn khả năng ngừng phạm tội. Những người nghiện ma tuý chằng hạn, rõ ràng là những người hoàn toàn bị trói buộc bởi chứng nghiện. Nếu họ cố gắng bỏ thuốc thì cơ thể họ bị cơn nghiện hoành hành và vô cùng khổ sở. Nhiều người vì lên cơn nghiện mà đã sẵn sàng cướp giật để có tiền mua thuốc. Có người còn sẵn sàng giết người để đoạt của hầu thoả mãn cơn nghiện của mình. Có người phải tự sát để tìm sự giải thoát cho chính mình! Tạ ơn Chúa, ngày nay có rất nhiều người nghiện rượu và ma tuý đã giao cuộc đời mình cho Chúa Giê-su cai trị. Đời sống họ đã được Ngài giải thoát và biến đổi cách nhiệm mầu, hoàn toàn bởi ơn thương xót và quyền năng của Ngài.

Ngoài sự giải thoát tội nhân khỏi quyền cai trị của tội lỗi, Chúa Giê-su cũng giúp cho tội nhân được giải thoát khỏi sự định tội khỏi án phạt đáng sợ của Đức Chúa Trời, tức là sự đau đớn kinh khiếp nơi hoả ngục! Lời Kinh Thánh dạy:

“Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 8:1).

Phải, ai tin nhận Chúa Cứu Thế thì được gì? Lời Chúa nói:

Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu…” (Giăng 3:18a).

Còn những ai đã nghe đến kế hoạch cứu rỗi và không chịu đặt niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su thì kết quả ra sao?

“… Ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời”(Giăng 3:18b). Khi những ai từ chối Con Đức Chúa Trời thì “đã bị đoán xét rồi” không khác nào chính họ đã tự đoán xét lấy mình! Ngày kia, nơi hoả ngục, không ai có quyền phản đối với Chúa. Không, vì chính họ đã chọn lựa sự hư mất và hình phạt đời đời ở đó.

V. Con Đường Dẫn Đến Sự Giải Cứu và Phục Hồi Quyền Tự Do:

Để được tự do khỏi sự hình phạt, Lời Chúa cho biết điều kiện như sau:

“Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 8:1).

Làm sao để có thể được “ở trong Đức Chúa Giê-su Christ”? Đức Chúa Jêsus phán: Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi (Giăng 10:9).

Cái cửa nầy nằm ngay ở lằn ranh giữa tự do và tù tội. Khi một tội nhân đã đặt đức tin nơi Chúa Jêsus, tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình, thì người đó đã bước qua Ngàicửa của sự cứu rỗi. Người đó giả từ địa vị làm tôi mọi cho tội lỗi và ma quỷ để đón nhận địa vị được tự do trong ân điển của Đức Chúa Trời.

Người đó được thoát khỏi tình trạng nằm dưới án phạt của Đức Chúa Trời để bước vào nước Trời, vào trạng thái được cứu rỗi, được bình an, và sự sống đời đời như lời Chúa Jêsus phán: “Nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi.

Đấng Christ chẳng những giải thoát linh hồn chúng ta khỏi hồ lửa đời đời nhưng quyền năng của Ngài bên trong chúng ta (Đức Thánh Linh) cũng giải thoát chúng ta thoát khỏi những yếu đuối của xác thịt, để chúng ta thật sự được tự do. Nếu ngày nào chúng ta còn có những hành động mà mình không thể tự kiểm soát, như nghiện cờ bạc, nghiện rượu, hay nổi nóng, hay nói những lời lẽ thô tục, sợ hãi quá độ, buồn chán, suy sụp tinh thần vô cớ, v.v… thì bởi vì ngày đó chúng ta chưa hoàn toàn đầu phục Chúa và chưa cho phép Ngài biến đổi chúng ta trở thành người thật sự được tự do. Nên nhớ, sự tự do đó không cho phép chúng ta được hoàn toàn độc lập tự chủ, nhưng được nằm trong giới hạn của tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời là Đấng luôn chăm sóc chúng ta và che chở chúng ta như người Cha.

Nếu quý ông bà đã thật sự tin nhận Chúa thì mọi người chung quanh và chính mình đều phải nhận thấy đời sống mình thật sự được đổi mới, không còn bị trói buộc bởi tội lỗi nữa. Như Lời Chúa phán:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (2Côr. 5:17).

Phần kết luận cho thân hữu:

Thưa quý thân hữu. Chúng tôi xin có lời mời quý vị hãy mạnh dạn bước qua “cửa” Jêsus, tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình. Xin đừng nghĩ rằng quý vị đã bỏ công nhiều năm tu tâm tích đức nên không đành bỏ hết. Thưa quý vị, Lời Chúa cho biết rằng tất cả những công đức mà con người đã cố gắng tạo nên bao nhiêu năm dài đều vô ích và không đủ để mua chuộc tội lỗi của chính mình hoặc giúp cho mình thoát khỏi sự hình phạt dành cho tội nhân. Cánh cửa cứu rỗi đã rộng mở. Chúa Jêsus vẫn còn kêu gọi mọi người đến với Ngài:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28).

Mời quý vị quyết định “bước qua cửa Jêsus” để được tự do trong Chúa. Lúc đó quý vị mới thật sự được an nghỉ khỏi những áp lực từ thế gian và sự mệt mỏi khi phải cố gắng chống lại xác thịt yếu đuối của mình. Sự tự do quan trọng nhất cho quý vị là được tự do khỏi quyền lực của ma quỷ!

Phần kết luận cho tín hữu:

Nếu con cái Chúa nào mà chưa thật sự được tự do, có đời sống còn bị trói buộc bởi nhiều xiềng xích hay quyền lực nào đó trong đời sống mình, thì từ nay, hãy thành thật giao cuộc đời mình cho Chúa, chấp nhận sự tể trị của Ngài để kinh nghiệm được sự tự do thật trong Chúa. Cầu xin Ngài hoàn toàn giải thoát quý vị khỏi tội lỗi và xác thịt, biến đổi đời sống, ban cho quý vị niềm vui chứa chan trong đời nầy, và niềm hy vọng chắc chắn của cuộc sống phước hạnh trường cửu trong đời sau! Amen.

(c) 2021 TinlanhLibrary.info


Comments

BG – Tự Do Nhưng Không Độc Lập — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *