“Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu cơn thịnh nộ.” Châm ngôn 15:1

Một chiếc xe dán đầy những ngôn từ chống lại Đức Chúa Trời đã thu hút sự chú ý của một vị giáo sư đại học. Trước đây ông cũng là một người vô thần, vị giáo sư này nghĩ có lẽ chủ nhân của chiếc xe muốn chọc giận những tín hữu Cơ Đốc. Ông giải thích: “Việc chọc giận người khác giúp cho những người vô thần bào chữa về lòng vô tín của họ.” Và ông cũng cảnh báo rằng: “Thường thì những người vô thần sẽ có được điều mà họ tìm kiếm.”

Khi nhớ lại hành trình đức tin của mình, vị giáo sư này nhớ đến lòng quan tâm của một người bạn Cơ Đốc của mình. Người bạn đó đã khuyên ông nên xem xét đến chân lý của Đấng Christ. Chính “thái độ khẩn khoản được truyền tải mà không hề có bất kỳ biểu hiện nào của sự giận dữ” ở nơi người bạn của ông khiến ông không bao giờ quên được sự tôn trọng thật và thái độ hòa nhã mà ông đã nhận được vào lúc đó.

Những người tin nơi Chúa Jêsus thường cảm thấy bị xúc phạm khi người khác từ chối tiếp nhận Ngài. Nhưng thật sự Chúa cảm thấy thế nào về việc bị từ chối đó? Chúa Jêsus thường xuyên đối diện với sự đe dọa và ghen ghét, thế nhưng Ngài chưa bao giờ nghi ngờ về thần tánh vốn có của mình. Có một lần, khi ngôi làng nọ từ chối đón tiếp Ngài, Gia-cơ và Giăng đã muốn trả thù ngay tức khắc. Họ đã hỏi Ngài rằng: “Lạy Chúa, Chúa có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy họ chăng?” (Lu-ca 9:54). Chúa Jêsus không hề muốn điều đó và Ngài “quay lại quở hai người” (c.55). Suy cho cùng, “Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu” (Giăng 3:17).

Có lẽ điều này sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên, đó là Đức Chúa Trời không cần chúng ta bảo vệ Ngài. Ngài muốn chúng ta đại diện cho Ngài! Điều đó đòi hỏi thời gian, công sức, biết kiềm chế và yêu thương.

Lạy Chúa, khi chúng con đối diện với sự thù địch, xin giúp chúng con không căm thù nhưng có thể đáp lại như chính Con Ngài đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34)
Cách tốt nhất để bảo vệ Chúa Jêsus là sống một cuộc đời giống Ngài.
Lu-ca 9:51 nói: “Ngài quyết định đi đến thành Giê-ru-sa-lem”. Đấng Christ đang đi đến Giê-ru-sa-lem để đối diện với nhiều sự chống đối hơn vì Ngài tình nguyện chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta. Khi Gia-cơ và Giăng nhận ra sự chống đối xảy đến với Thầy mình, họ đã phản ứng cách sai trật khi có thái độ trừng phạt báo thù. Có thể họ đang nghĩ về việc Ê-li gọi lửa từ trời xuống (II Vua. 1:10-12) và ngọn lửa đã giáng xuống trong sự đoán xét Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Sáng. 19). Tuy nhiên, họ đã quên mất một điều là những lẽ thật của Chúa Jêsus được công bố và để cho mọi người tự quyết định, không hề có sự ép buộc nào.

Như một nhà thần học đã nói: “Đức Chúa Trời là một “Quân Tử” và Ngài sẽ không xâm phạm ý chí tự do của chúng ta.” Sự đoán xét chắc chắn sẽ đến trong thời điểm của Chúa. Trước khi thời khắc đó đến, mọi người nghe Phúc Âm đều có quyền tự do để tin hoặc khước từ. Phao-lô đã viết: Đức Chúa Trời “kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn” (II Phi. 3:9).

Làm thế nào bạn có thể bày tỏ ân điển và sự trung tín trong việc chiếu ra ánh sáng Phúc Âm bất kể sự đáp ứng ra sao?

Tim Gustafson


Comments

Bảo Vệ Chúa — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *