HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của Những MS KhácBài Tín Điều – “Ngài Xuống Âm Phủ”

Phần kỳ lạ nhất trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ: “Ngài Xuống Âm Phủ”

MS Ray Pritchard / I Phierơ 3:18-19

Điều chi đã xảy ra cho Chúa Jêsus giữa sự chết và sự sống lại của Ngài? Chúng ta biết thi thể Ngài đã được chôn cất, còn về linh hồn Ngài thì sao? Ngài đã ở đâu và Ngài đã làm gì giữa sự chết của Ngài vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Sáu và sự sống lại của Ngài trước khi mặt trời mọc vào sáng ngày Chúa nhựt? Nhiều Cơ đốc nhân đã lấy làm lạ về những việc nầy trong 2.000 năm. Nhiều thắc mắc, một phần theo Kinh Thánh, một phần theo thần học, và một phần thì riêng tư. Kể từ khi sự chết là một điều kín nhiệm cho hết thảy chúng ta, về mặt tự nhiên chúng ta muốn biết điều chi đã xảy ra cho Chúa Jêsus khi Ngài còn ở trong mộ địa. Câu trả lời vắn tắt là, chúng ta không biết chắc. Như chúng ta sẽ thấy trong bài giảng nầy, Kinh Thánh đưa ra một số gợi ý giúp đỡ cho chúng ta, Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta một số manh mối chỉ cho chúng ta thấy các phương hướng nhất định, nhưng giáo điều thì quả là rất khó đây. Hay có lẽ tôi sẽ nói, giáo điều trong một vài hướng là điều khả thi.

Vì vậy, chúng ta bắt đầu với câu trả lời mà Bài Tín Điều Các Sứ Đồ đã đưa ra: Chúa Jêsus đã “xuống âm phủ”. Chính giây phút chúng ta thốt ra mấy lời đó, một loạt nhiều câu hỏi phát sinh: Chúa Jêsus “xuống” âm phủ theo ý nghĩa nào? Điều nầy xảy ra vào lúc nào? Và Ngài xuống loại “âm phủ” nào? Khi ấy, có nhiều thắc mắc khác, rộng rãi hơn nữa: Cụm từ ấy có ý nói tới điều gì? Tại sao nó lại có trong bài tín điều? Nó có tùy thuộc Kinh Thánh không? Chúng ta có phải tin theo nó không? Nếu chúng ta không tin, tại sao chúng ta nói tới nó chứ? Ở điểm sau cùng đó, chúng ta có thể quan sát thấy, là không phải từng phiên bản Bài Tín Điều Các Sứ Đồ đều có cụm từ nầy đâu. Thậm chí giữa vòng các Hội Thánh đọc bài tín điều mỗi Chúa nhựt, bạn sẽ thấy có Hội Thánh đọc cụm từ nầy, có Hội Thánh không đọc nó.

Mark Todd nói cho tôi biết rằng ông không hề biết cuộc tranh luận về thần học cho tới chừng ông học biết về Bài Tín Điều Các Sứ Đồ khi còn nhỏ. Lớn lên trong gia đình của một vị Mục sư thuộc hệ phái Trưởng Lão, ông đã nghe đọc bài tín điều mỗi Chúa nhựt, và bài ấy luôn luôn có câu “Ngài xuống âm phủ”. Nhưng vào thời điểm Hội Thánh có một Mục sư phụ tá, ông nầy không tin cụm từ đặc biệt nầy. Vì vậy, bất cứ khi nào vị Mục sư phụ tá nầy hướng dẫn buổi thờ phượng, ông ấy sẽ nói: “Chúng ta hãy đứng và nhớ lại bài tín điều. Hôm nay chúng ta sẽ không xuống âm phủ”.

Vì thế cụm từ bản thân nó kích thích cuộc tranh cãi. Sau đây là hai phương diện khác cần phải xem xét.

1) Không một chỗ nào trong Kinh Thánh nói rõ Chúa Jêsus xuống địa ngục. Nghĩa là, cụm từ bản thân nó không nằm trong Kinh Thánh. Nói như thế không có nghĩa điều nầy không thật hay chúng ta không nên nói ra cụm từ ấy, nhưng nói như thế để chúng ta không thể tìm được một câu nói: “Chúa Jêsus xuống địa ngục”.

2) Những phiên bản sớm sủa nhất của Bài Tín Điều Các Sứ Đồ không có cụm từ nầy.

Nếu bạn quay trở lại với những năm 150-200SC, bạn có thể tìm gặp những phiên bản đầu tiên của bài tín điều, nhưng chúng bỏ sót cụm từ nầy. Cụm từ ấy không có trong khoảng 250-300 năm. Thế rồi nó trở thành một phần tiêu chuẩn trong bài tín điều. Và cụm từ nầy xuất hiện trong hầu hết các phiên bản chuẩn hôm nay. Nhưng cuộc tranh cãi về ý nghĩa của nó và nền tảng Kinh Thánh vẫn cứ tiếp tục. Các học giả đã tranh luận về cụm từ nầy trong 2.000 năm — và họ cứ tiếp tục tranh luận về cụm từ ấy cho tới hôm nay.

Vậy, điều nầy đưa chúng ta đến đâu chứ? Về sau trong một bài giảng, tôi sẽ giải thích lý do tại sao tôi tin cụm từ nầy vừa theo Kinh Thánh mà vừa là một sự giúp đỡ về mặt thuộc linh. Trong một phút thôi, chúng ta hãy chú ý thể nào bài tín điều sử dụng một thể động từ nhất định để mô tả Đức Chúa Jêsus Christ. Hầu hết các cụm từ đều ở trong thể thụ động cách: “Ngài được thai dựng … được sanh ra … bị đóng đinh trên thập tự giá … bị chôn”. Những động từ nầy mô tả những việc đã xảy ra cho Đấng Christ hay những việc đã được nhiều người khác làm ra cho Ngài. Nhưng khi bài tín điều đến với cụm từ nầy, nó lại chuyển sang thể chủ động cách: “Ngài xuống âm phủ”. Bất luận ai khác nói gì, bài tín điều cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus đã làm điều nầy theo sáng kiến riêng của Ngài. Ngài là Đấng cao cả nhất, đã lìa thiên đàng, đến với đất, và trong sự chết và sự chôn của Ngài, đã xuống đến chỗ sâu thẳm nhất của vũ trụ. Bằng cách sử dụng thể chủ động cách, các tác giả bài tín điều đưa ra một câu nói mạnh mẽ về những gì Chúa Jêsus đã làm. Bất luận cụm từ “Ngài xuống âm phủ” có ý nói gì, nó không xảy ra do tình cờ đâu, nhưng bởi sự hoạch định thiêng liêng của Chúa chúng ta. Bất cứ đâu Ngài tới và bất luận Ngài đã làm gì ở đó, Ngài cố ý đi tới đó và Ngài đã làm việc ấy.

Để cung ứng cho chúng ta một tiêu điểm theo Kinh Thánh, chúng ta hãy xem vắn tắt ba phân đoạn Kinh Thánh sau đây:

1) Thi thiên 139:7-8

“Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa? Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, Ví tôi nằm dưới âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó” (Where can I go from your Spirit? Where can I flee from your presence? If I go up to the heavens, you are there; if I make my bed in the depths, you are there). [Chúng ta theo dõi hai câu Kinh Thánh trên trong thể song ngữ thì thấy] cụm từ “in the depths” dịch chữ Hybálai sheol {âm phủ}, trong khi bản King James dịch với chữ “địa ngục” (hell), thí dụ: “Vì nếu tôi nằm dưới địa ngục, kìa, Chúa cũng có ở đó”. Những câu đầu của Thi thiên 139 bảo đảm với chúng ta về sự toàn tại của Đức Chúa Trời — bất cứ đâu chúng ta đi, Ngài hiện diện ở đó rồi, và chẳng có một phần nào trong vũ trụ — bất luận thấp chừng nào, tăm tối dường bao hay xa thẳm tới đâu đi nữa — Ngài luôn luôn hiện diện ở đó rồi.

2) Côlôse 2:15

“Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ”. Cụm từ “các quyền cai trị cùng các thế lực” đề cập tới những thế lực gian ác thuộc linh, chớ không phải những nhà cầm quyền con người đâu. Bởi sự chết đổ huyết ra trên thập tự giá, Đấng Christ đã thắng hơn Satan cùng các quỉ sứ nó trong mọi đẳng cấp và tước hiệu của chúng.

Thập tự giá là sự chiến thắng có tính cách quyết định cho Con của Đức Chúa Trời. Ngài đã thắng một trận đánh thuyết phục đến nỗi hậu quả của cuộc chiến thật là chắc chắn, không có gì phải nghi ngờ nữa. “Truất bỏ” ai đó có nghĩa là tước lấy những thứ vũ khí của người ấy. Nếu một người có khẩu súng chỉa vào bạn, người ấy chưa bị truất bỏ cho tới chừng nào bạn tước khẩu súng khỏi người. Bao lâu người ấy còn có khẩu súng (và đủ đạn), bạn đang ở trong chỗ rắc rối lớn đấy. Khi Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá, Ngài đã tước đi những khẩu súng và đạn dược ra khỏi tay của ma quỉ. Và Ngài công khai sỉ nhục chúng. Hãy phác họa các binh đoàn Lamã trở về từ một cuộc chiến thành công xem. Khi họ bước vào thành phố, những đám đông phụ nữ và trẻ em xếp hàng dài trên đường phố. Họ cứ diễu hành đi tới, một đám rước không dứt. Rồi đến các tướng lãnh thắng trận, từng tốp có kèm theo ca sĩ, vũ công, và nhạc sĩ. Sau cùng, ở cuối đám rước, bạn sẽ nhìn thấy một dãy dài những kẻ yếu ớt, bẩn thỉu, hốc hác. Tay họ bị trói, họ trộn lẫn với nhau. Họ là những chiến binh bại trận, giờ đây bị đem ra phơi bày như minh chứng cho quyền lực vô địch của Rome.

Khi Chúa Jêsus chịu chết, có một việc lạ lùng đã diễn ra trong lãnh vực thuộc linh. Mặc dù không thể thấy được với con mắt trần tục, việc ấy đã được trông thấy bởi các thiên sứ và các thánh đồ Cựu Ước. Họ đã quan sát khi Chúa Jêsus, giống như một anh hùng cái thế chinh phục Miền Tây xưa kia, đã bước vào những khu vực thuộc địa ngục rồi truất bỏ “những gã xấu” từng gã một. Khi ấy Ngài đã dẫn chúng ra diễu hành trong cái nhìn đầy đủ của Cha Ngài ở trên trời hầu cho từng tạo vật sống sẽ nhìn biết rằng Ngài đã đạt được chiến thắng.

 3) I Phierơ 3:18-19

“Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù”. Một trong các giáo sư Hylạp tại Thần Học Viện Dallas gọi phân đoạn Kinh Thánh nầy (I Phierơ 3:18-22) là phân đoạn khó nhất trong Tân Ước. Thật là khó dịch và khó hiểu. Có lẽ tôi phải nói như vầy: Nó không khó khi dịch các từ per se (thuộc về bản chất), nhưng rất khó hiểu những gì chúng muốn nói. Chính xác thì Phierơ đang tìm cách nói ra điều gì ở đây? Một nhà giải kinh lưu ý rằng có 9 từ Hylạp trong câu 19 — và các học giả bất đồng về ý nghĩa của chúng! Sau khi nghiên cứu phân đoạn nầy trong tuần, tôi có ấn tượng và bị phủ lút bởi nhiều cách lý giải gây hoang mang. Phải công bằng mà nói rằng chẳng có ai dám chắc về những gì Phierơ muốn nói — mặc dù có người nghĩ họ biết chắc. Phần còn lại trong chúng ta cũng không dám chắc.

Câu 18 thì rõ ràng rồi. Đây là một câu nói đơn sơ về sự cứu chuộc có tính cách thay thế: Đấng Christ đã chịu chết vì ích cho chúng ta để đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Nếu Phierơ dừng lại ngay tại đó, chúng ta sẽ chẳng gặp phải nan đề nào hết. Nhưng ông tiếp tục ở câu 19 bằng cách nói về Chúa Jêsus đã chết trong xác thịt và đang sống bởi phần hồn. Bản Kinh Thánh NIV viết hoa chữ “Linh Hồn” để chúng ta sẽ nhìn biết Phierơ có ý nói tới Đức Thánh Linh. Nhưng nhiều nhà giải kinh (tôi nương theo hướng nầy) thích sử dụng chữ thường hơn là chữ hoa khi dịch “linh hồn”, ý nói linh hồn con người của Đấng Christ. Thế thì Phierơ nói Đấng Christ đã đi giảng đạo cho những linh hồn bị tù. Sau khi phát hiện ra nhiều ý kiến khác nhau, tôi nghĩ ông muốn nói rằng Đấng Christ đã rao giảng cho những linh hồn bị tù — ma quỉ từng loạn nghịch chống lại Đức Chúa Trời. Hãy gạch dưới hay khoanh tròn cụm từ “tôi nghĩ” vì tôi đang đưa ra một ý kiến, chưa phải là chắc chắn đâu. Và thậm chí tôi không đi tới phần nói tới Nôê, chiếc tàu và phép báptêm. Điều đó có thể chờ đợi ở một bài giảng khác.

Chết hoàn toàn

Nhưng có thêm một việc nữa mà chúng ta cần phải biết trước khi chúng ta có thể bắt đầu vạch ra một số kết luận. Đây là ba từ Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta suy nghĩ về cụm từ “Ngài xuống âm phủ”.

Thứ nhứt, có một từ Hybálai sheol. Một từ rất phổ thông trong Cựu Ước, nó đề cập tới lãnh vực tối tăm của người chết. Sheol là chỗ người chết đi tới khi họ qua đời. Đôi khi nó được dịch là “mồ mả”.

Thứ hai, có một từ Hylạp hades, đối với chúng ta chữ nầy có ý nói tới “âm phủ” nhưng trong Tân Ước, nó tương đương với từ Hybálai sheol.

Thứ ba, có một từ Hylạp gehenna,luôn luôn đề cập tới chỗ mà chúng ta gọi là “hell”, nơi có diêm và lửa. Đây là nơi hình khổ đời đời. Từ ngữ gehenna ra từ đống rác thật lớn tại Trũng Him-nôm ở ngoài thành Jerusalem. Khói và lửa bay lên từ đống rác ấy suốt cả ngày lẫn đêm. Nó trở thành một biểu tượng nói tới âm phủ — chốn  khổ hình đời đời.

Làm sao điều nầy lại áp dụng cho Bài Tín Điều Các Sứ Đồ? Khi chúng ta nghe nói Chúa Jêsus “xuống âm phủ”, một cách máy móc chúng ta nghĩ đến từ gehenna — nơi có lửa, khói, và hình khổ. Nhưng đấy không phải là điều mà các tác giả bài tín điều muốn nói. Họ không tìm cách nói rằng Chúa Jêsus đã bước vào lửa thiêu cháy của âm phủ. Khi bài tín điều sử dụng chữ “âm phủ”, ý nghĩa thật còn gần với sheol hay hades hơn. Bài tín điều đang nói cho chúng ta biết khi Chúa Jêsus chết, Ngài đã bước trọn vẹn vào miền của sự chết. Ngài đã chết thực sự, hoàn toàn, trọn vẹn theo nhận định của con người. Bạn có thể nhớ lại bối cảnh từ cuốn phim Princess Bride ở đó chàng đẹp trai anh hùng rõ ràng đã chết rồi. Nhưng rồi chàng bị đưa tới Mad Max, một thầy phù thủy của địa phương, ông nầy bảo đảm với bạn bè của chàng rằng người anh hùng kia chưa thực sự chết. Chàng chỉ “gần chết” mà thôi. Đấy là những tin tức tốt lành cho vị anh hùng vì có sự khác biệt lớn giữa “gần chết” và “chết hoàn toàn”. Khi khi Chúa Jêsus chết, Ngài đã chết thật hoàn toàn. Những gì xảy ta cho chúng ta khi chúng ta bước vào miền sự chết đã xảy ra cho Ngài khi Ngài chết. Ngài không được buông tha những nổi đau của sự chết dù là phương thế nào. Đấy là mục tiêu chính mà bài tín điều đang đưa ra.

Với tất cả nghĩ suy ấy, chúng ta hãy xem xét những gì cụm từ lạ lùng nầy không nói tới, những gì nó nói tới, và những gì nó phải nói tới.

  1. Những gì nó không nói tới

Bất luận chúng ta nói gì về cụm từ: “Ngài xuống âm phủ”, có ba việc nó không nói tới:

Thứ nhứt, nó không nói Chúa Jêsus đã ban ơn cứu rỗi cho những ai đã chết rồi. Không một chỗ nào trong Kinh Thánh ủng hộ một ý tưởng như thế. Không có một việc nào là ơn cứu rỗi cho người đã chết như thế. Hãy chú ý ngày cứu rỗi — II Côrinhtô 6:1-2. Ngày nay là ngày cứu rỗi khi chúng ta tin cậy Đấng Christ làm Cứu Chúa. “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hêbơrơ 9:27). Cơ hội duy nhứt chúng ta phải tiếp nhận Đấng Christ đến khi chúng ta còn sống. Khi chúng ta qua đời, chúng ta phải đứng trước sự phán xét của Đức Chúa Trời. Khi một người phải đi địa ngục, người ấy sẽ ở lại đó cho đến đời đời. Chẳng có một công tác truyền giáo nào trong địa ngục hết.

Thứ hai, cụm từ nầy không nói Chúa Jêsus bị thiêu trong lửa địa ngục. Chính ý tưởng ấy gây kinh sợ và chẳng có nền tảng theo Kinh Thánh. Chúa Jêsus đã gánh chịu án phạt vì tội lỗi chúng ta khi Ngài chịu chết trên thập tự giá, chớ không phải sau khi thi thể Ngài đã được đem chôn.

Thứ ba, cho dù cụm từ nầy có nói điều chi khác, nó không nói Chúa Jêsus đã làm điều gì giữa sự chết và sự sống lại của Ngài thêm vào công tác của Ngài trên thập tự giá. Khi Chúa Jêsus phán: “Mọi sự đã được trọn” (Giăng 19:30), Ngài muốn nói rằng công tác cứu rỗi đã được hoàn tất trọn vẹn rồi. Cái giá phải trả cho tội lỗi đã được trả đủ hết rồi. Không một điều chi khác được thêm vào với cái giá mà Ngài đã làm trên thập tự giá.

  1. Những gì nó muốn nói

Vào thời kỳ Trung Cổ, nhiều tác giả đã phát triển một giáo lý rất tỉ mỉ gọi là “đau khổ trong địa ngục”. Nhiều người tin rằng giữa sự đóng đinh trên thập tự giá và sự sống lại, Đấng Christ đã đi vào miền của sự chết rồi công bố sự đắc thắng của Ngài đối với ma quỉ. Niềm tin nầy làm phát sinh ra một họa phẩm rất sáng tạo bởi những họa sĩ vào thời kỳ trung cổ và thời kỳ phục hưng. Tôi thấy một tái bản trên Internet về một bức họa chỉ ra một Đấng Christ đắc thắng đang đứng trên cái miệng của một con rắn thật to. Ngài đang giải cứu các thánh đồ Cựu Ước ra khỏi “miệng của con rắn”. Giá trị của giáo lý nầy, ấy là nó trả lời cho câu hỏi: “Điều chi xảy ra cho các thánh đồ Cựu Ước khi họ qua đời?” Trong khi chúng ta biết lìa khỏi thân thể là đi ở với Chúa (II Côrinhtô 5:8), dường như các tín đồ thời Cựu Ước không luôn luôn có sự bảo đảm ấy. Có người cho rằng Đấng Christ đã phóng thích những linh hồn công bình nào đã ở trong “Barađi” một phần của Hades và vì thế bị “bắt làm phu tù” (xem Êphêsô 4:8-10). Bản Kinh Thánh tham khảo Scofield làm cho điều nầy được ưa chuộng cách đây một thế hệ. Câu chuyện nói tới người nhà giàu và Laxarơ ở Luca 16:19-31 dường như cung ứng sự ủng hộ cho quan điểm đó. Richard Phillips thêm vào lời bình nầy: “Toàn bộ bối cảnh nầy diễn ra ở âm phủ, nghĩa là, ở Hades. Ở một bên âm phủ, là thiên đàng, ở đó có Ápraham và Laxarơ. Ở bên kia, bên kia hố ngăn cách lớn, âm phủ thực sự là âm phủ, và đấy là chỗ mà tay nhà giàu tham lam hiện đang ở. Điều nầy dường nhất trí với những gì Chúa Jêsus đã phán tên cướp trên cây thập tự gần đó, là kẻ đã tin theo Ngài: “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Luca 23:43). Thế rồi, có lẽ Chúa Jêsus đi vào âm phủ, công bố sự đắc thắng của Ngài cho những ai bị phó cho sự nguyền rủa, trong khi thực sự Ngài đang ở trong khu vực của thiên đàng”.

Nếu bạn hỏi tôi điều nầy có thực không, tôi sẽ phải nói rằng tôi không biết. Tôi nghĩ đây là suy luận đáng tin cậy từ các phân đoạn Kinh Thánh khác nhau, song chúng ta không dám chắc. Nhưng có một cách khác để nhìn vào hết thảy những cảnh quan nầy. Có lẽ nan đề của chúng ta bắt nguồn từ chỗ có một nhận định thiển cận về sự chết của Đấng Christ. Chúng ta có khuynh hướng tập trung vào chính mình và những gì thập tự giá muốn nói với chúng ta. Nhưng có nhiều phân đoạn đề nghị rằng thập tự giá của Đấng Christ đã làm thay đổi mọi sự trong vũ trụ — nó có cái chạm trên vũ trụ, cái chạm ấy đụng đến mọi sự từ chỗ cao cao nhất đến chỗ thấp nhất. Như Côlôse 2:15 nói rất rõ, thập tự giá của Đấng Christ đã làm thay đổi mọi sự đối với Satan và các quỉ sứ hắn. Đừng quên luận điểm nầy: Sự chết của Đấng Christ đã mang lại những thay đổi đáng giật mình trong linh giới, hầu hết hãy còn kín giấu đối với chúng ta. Tôi nghĩ Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta những gợi ý và những cái nhìn thoáng qua vào lẽ thật, đủ để khiến chúng ta nhìn biết rằng một việc gì đó hoành tráng lắm đã xảy ra “đàng sau bối cảnh” như kết quả của cái chết của Đấng Christ.

Sự chết của Đấng Christ đã mang lại những thay đổi đáng giật mình trong linh giới, hầu hết chúng hãy còn kín giấu đối với chúng ta.

III. Những gì nó phải nói.

  1. Đấng Christ đã kinh nghiệm đầy đủ sự chết.

Đây là ý nghĩa chính của cụm từ “Ngài xuống âm phủ”. Trong sự chết của Ngài, Ngài đã bước vào kinh nghiệm chết của con người nhiều y như bất cứ ai từng sinh sống. Ngài biết chết là như thế nào rồi, vì Ngài đã có mặt ở đó, Ngài đã bước vào “Ngôi Nhà của Sự Chết” và Ngài đã bước ra tay cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ (Khải huyền 1:18). Cách đây mấy ngày, tôi tìm được câu nói kỳ diệu nầy do Mục sư W. A. Criswell thốt ra từ bài giảng ông đã rao về Khải huyền 1:18:

Khi họ đóng đinh hai chơn Ngài vào cây gỗ, và khi họ đóng đinh hai tay Ngài vào cây gỗ, và khi Ngài bước vào miền tăm tối của mồ mả, ở đó Ngài chà nát vương quốc sự chết cho đến đời đời. Và khi Ngài sống lại đắc thắng ra khỏi đó, Ngài đã mang theo sự chết như một gã phu tù bị xiềng xích vào mấy chiếc bánh của xe ngựa của Ngài.

Tôi thích hình ảnh ấy — sự chết đã bị xích vào bánh xe ngựa của Chúa Jêsus. Chúa chúng ta không thể thắng hơn sự chết trừ phi Ngài đã bước trọn vẹn vào miền tăm tối của vương quốc sự chết. Chỉ khi ấy Ngài mới đắc thắng nổi bật với xâu “chìa khóa” trong tay Ngài.

 Đấng Christ đã đánh bại ma quỉ hoàn toàn

Sau đây là năm phương thức ma quỉ bị thập tự giá của Đấng Christ đánh bại:

Đầu hắn bị chà nát — Sáng thế ký 3:15

  1. Công việc của hắn bị hủy diệt — I Giăng 3:8
  2. Quyền lực của hắn bị phá vỡ — Hêbơrơ 2:15
  3. Các quỉ sứ hắn bị truất bỏ — Côlôse 2:15
  4. Số phận của hắn đã bị quyết chắc — Giăng 16:11

 

Mọi điều nầy đã xảy ra tại thập tự giá khi Đức Chúa Trời tung ra một cú đấm thật mạnh khiến cho Satan phải bại trận, bị truất bỏ và bị nhục nhã. Đấy là lý do tại sao chúng ta ưa nói: “Hôm nay là Thứ Sáu, ngày Chúa nhựt sẽ đến theo liền mà!” Tôi thích câu chuyện nói tới Charles Spurgeon, nhà truyền đạo lỗi lạc của Luân đôn vài cuối thập niên 1800, ông thức giấc vào một tối kia vì ông cảm thấy ai đó đang rung cái giường của mình. Tưởng rằng giông bão làm rung nó, ông nhìn ra ngoài mà chẳng thấy đám mây nào trên bầu trời. “Tôi thức giấc và tìm kiếm, và có Satan đang đứng ở chân giường tôi. Chính Satan đã rung cái giường của tôi. Tôi nhìn hắn rồi nói: ‘Ồ, chỉ có ngươi thôi à’, rồi lăn ra ngủ tiếp”.

Sự thực nầy có ý nghĩa gì với chúng ta không?

1) Chúng ta không cần phải sợ sự chết.

Chết là một căn phòng tối làm cho chúng ta hoảng sợ vì chúng ta không biết điều chi có trong đó. Bài tín điều cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã bước vào từng căn phòng tối trước chúng ta. Đèn có thể không bật lên, nhưng Chúa Jêsus hiện diện ở đó và phán: “Hãy vào đi, ta đang ở đây và nơi ấy rất an toàn”. Một bài thánh ca xưa do Richard Baxter sáng tác nhắc cho chúng ta nhớ rằng Đấng Christ chẳng dẫn chúng ta qua căn phòng tối tăm nào mà Ngài chẳng đi qua trước đó. Ngài phải bước vào cánh cửa nầy cho tới chừng vương quốc của Đức Chúa Trời hiện đến.

Hết thảy chúng ta chẳng sớm thì muộn đều chết đi, nhưng Đấng Christ đã biến đổi sự chết cho người tin Chúa. Ngài đã cất bỏ cái nọc của sự chết hầu cho đang khi chúng ta chết, chúng ta không thôi sống động. Chúng ta thôi không sống trên đất nầy và ngay lập tức bắt đầu sống trong sự hiện diện của Chúa chúng ta ở trên trời.

Hết thảy chúng ta chẳng sớm thì muộn đều chết đi, nhưng Đấng Christ đã biến đổi sự chết cho người tin Chúa.

2) Công tác cứu rỗi được trọn vẹn một cách tuyệt đối.

Vì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta và cất lấy án phạt của chúng ta, chúng ta không thể xuống âm phủ được. Cho phép tôi nói theo một cách mạnh mẽ hơn. Đúng là hoàn toàn bất khả thi cho một con cái thật của Đức Chúa Trời phải xuống âm phủ. Điều nầy không thể xảy ra, điều nầy sẽ không xảy ra. Chúa chúng ta đã xuống âm phủ để chúng ta sẽ không bao giờ vào đó. Ngài đã cất lấy sự rủa sả dành cho chúng ta để sự rủa sả không bao giờ giáng trên chúng ta. “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rôma 8:1).

3) Ma quỉ giờ đây là một con cọp không có răng.

Mặc dù hắn có quyền phép rất lớn và đi lang thang trên đất giống như một con sư tử rống, và dù hắn tạo ra nhiều tham vọng rất lớn và có thể nhiều lần làm cho chúng ta đầy dẫy với khiếp sợ, quyền lực của hắn đã bị phán vỡ một lần đủ cả. Hãy lắng nghe Martin Luther nói: “Nhờ Đấng Christ, âm phủ đã bị xé ra thành từng mãnh nhỏ, vương quốc và quyền lực của ma quỉ  đã bị hủy diệt một cách hoàn toàn … vì thế nó sẽ không còn gây hại hay áp đảo chúng ta nữa”. Tất cả những kẻ thù của Đấng Christ đều đã bị đánh bại. Chúng vẫn còn trên bãi chiến trường, nhưng sự cuối cùng đã được ghi ra rồi. Chúng ta biết câu chuyện kết thúc như thế nào! Chúa Jêsus đắc thắng — và chúng ta cùng đắc thắng với Ngài. Ma quỉ không thể đánh bại chúng ta vì chúng ta được kết hiệp với Đấng Vô Địch Tối Hậu — là Đức Chúa Jêsus Christ.

Tất cả những kẻ thù của Đấng Christ đều đã bị đánh bại. Chúng vẫn còn trên bãi chiến trường, nhưng sự cuối cùng đã được ghi ra rồi.

Vì vậy, chúng ta hãy để cho Martin Luther có lời nói sau cùng cho đề tài nầy:

“Và dù thế gian nầy với ma quỉ đầy dẫy, sẽ chẳng dọa dẫm gì chúng ta được, chúng ta sẽ không sợ hãi, vì Đức Chúa Trời bằng lòng để cho lẽ thật của Ngài đắc thắng qua chúng ta. Chúa của sự tối tăm tàn nhẫn lắm, chúng ta chẳng sợ hắn; chúng ta có thể chịu đựng sự cuồng bạo của hắn, vì nầy, số phận của hắn là chắc chắn; một từ ngắn ngủi sẽ giáng trên hắn.”

Đâu là “từ ngắn ngủi” đã đánh hạ ma quỉ xuống vậy? Đấy là danh Chúa Jêsus. Ngài đã đánh trận, Ngài đã đứng trên đất của mình, trên thập tự giá Ngài đã đánh bại Satan hoàn toàn, và Ngài đã minh chứng điều đó bằng cách sống lại từ kẻ chết.

Có hy vọng lớn lao cho hết thảy những ai đang phấn đấu chống lại tội lỗi. Vào sáng ngày Chúa nhựt Phục sinh, có lời đã giáng xuống từ trời cho ma quỉ cùng các quỉ sứ nó: Hãy bật đèn lên, bữa tiệc đã qua rồi. Ngươi chưa cảm thấy thất bại ư? Hãy đứng dậy mà đánh trận. Bộ ngươi chưa cảm thấy chán nản sao? Hãy đứng dậy mà đánh trận. Có phải ngươi bị cám dỗ phải chịu thua sao? Hãy đứng dậy mà đánh trận. Có phải ngươi đang chao đảo giữa đúng và sai? Hãy đứng dậy mà đánh trận.

Hãy nhớ điều nầy. Vị Quan Tướng Đạo Binh của sự cứu rỗi chúng ta đã thắng trận rồi. Satan có thể tấn công bạn liên miên, nhưng hắn không thể hủy diệt bạn được đâu. Nầy! Số phận của hắn là chắc chắn; một từ ngắn ngủi sẽ giáng trên hắn.

Amen.


Comments

Bài Tín Điều – “Ngài Xuống Âm Phủ” — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *