HomeBG BÀI GIẢNG HAY - SERMONSBG Của MS N. Duy TânBài Học Từ Ẩn Dụ Về Các Ta-Lâng (Phần 1 và 2)

Mathiơ 25:14-30 / Luca 19:22-28 – (Phần I)

Mục sư Nguyễn Duy Tân, © 2017 TinLanhLibrary.com

Cơ đốc nhân chúng ta cần phải nghĩ gì về mục đích của đời sống mình trong khi hầu việc Chúa, trong công ăn việc làm, khi tìm kiếm sự thành công trong xã hội và phước hạnh vật chất? Chúng ta phải nghĩ thế nào khi thấy trong xã hội bên ngoài và trong Chúa đều có người thì quá giàu có, có kẻ thì luôn thiếu thốn, có người thì được nhiều tài năng, có kẻ thì có quá ít? Ẩn dụ về các ta-lâng của Chúa Cứu thế cho chúng ta sáu bài học và câu trả lời cho một số thắc mắc của chúng ta.

hidden-talent
1. Muốn thành công chúng ta phải đầu tư tất cả những tài nguyên mà Chúa giao cho qua những công việc của chúng ta.

Trong sách Sáng thế ký, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã đặt Ađam trong vườn Êđen để làm việc, và đó là chăm sóc vườn. Loài người chúng ta đã được tạo dựng nên để làm việc. Sau khi Ađam phạm tội, Chúa cho ông biết rằng đất đai sẽ sinh ra nhiều gai chông trở ngại và loài người phải làm việc cực nhọc mới có thể sinh tồn: “Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; 19 ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” (Sáng thế ký 3:18,19) Là Cơ đốc nhân, chúng ta cũng phải làm việc để sinh tồn như mọi người, nhưng chúng ta cũng đã được Chúa Thánh Linh tái tạo phần tâm linh, nên mục đích của đời sống chúng ta không phải chỉ để sinh tồn, cũng không phải để hưởng thụ cách ích kỷ, nhưng Chúa cũng có những kế hoạch tốt đẹp trong đời nầy và trong cõi đời đời cho mỗi đời sống chúng ta. Ngài mong muốn trong khi sống trên đất nầy chúng ta phải làm những công việc mang đến lợi ích cho Nước Trời.

Quá nhiều Cơ đốc nhân ngày nay thấy sự cứu rỗi của họ chỉ đơn giản là có một “vé xe lửa lên thiên đàng” cho chính họ. Họ nghĩ rằng mình không cần phải làm gì trong khi “chờ đợi xe lửa”. Ẩn dụ về các ta-lâng dạy cho chúng ta biết rằng trong khi CHỜ ĐỢI ngày mà ta qua đời hoặc ngày mà Chúa tái lâm, chúng ta phải dùng những TA-LÂNG mà Ngài giao cho để LÀM NHỮNG VIỆC LỢI ÍCH cho Chúa chứ không phải “ngồi chơi xơi nước” trước những nhu cầu của Nước Trời.

đốc nhân chúng ta phải làm gì? Công việc của chúng ta không phải chỉ giới hạn trong việc đi nhóm họp, hát ngợi khen Chúa, dâng hiến cho công việc nhà Chúa hay đi ra làm chứng cho người chưa biết Chúa. Nhưng chúng ta cũng phải xem TẤT CẢ MỌI CÔNG VIỆC của chúng ta, dù là đang làm nail cho khách hàng hoặc nấu ăn cho gia đình hay cho hội thánh, đều như là làm cho Chúa. Chúng ta phải sử dụng tất cả những TA-LÂNG mà Chúa giao cho để lo việc sinh tồn cho mình và gia đình, đóng góp cho lợi ích chung của xã hội, và dự phần phát triển Vương quốc Đức Chúa Trời. Ta-lâng là hình ảnh của những gì? Đó là tất cả NHỮNG TÀI NGUYÊN mà Chúa “giao cho mình”, như THÌ GIỜ, ĐỜI SỐNG, SỨC KHOẺ, SỰ KHÔN NGOAN, KIẾN THỨC, TIỀN CỦA và TÀI NĂNG, kể cả CON CÁI của chúng ta. Sự thành công của chúng ta không phải là gom góp được nhiều tiền để hưởng thụ cách ích kỷ hoặc để đạt được danh vọng trong đời nầy. Không! Chúng ta phải tích cực và siêng năng sử dụng tất cả những TÀI NGUYÊN đó để làm lợi cho Ngài, vì đó là sự KÊU GỌI và MONG ĐỢI của Chúa cho mỗi đời sống chúng ta.

  1. Chúa luôn luôn ban cho chúng ta đủ mọi tài nguyên mà chúng ta cần để làm những gì mà Ngài kêu gọi chúng ta làm trong cuộc đời nầy.Chúa không phải như Pharaôn, bắt người là làm gạch mà không cho đất sét và rơm. Ngài luôn CUNG CẤP ĐỦ tài nguyên để chúng ta sử dụng và sinh lợi cho Ngài. Nếu chúng ta không sinh ra lợi ích được cho Chúa là vì chúng ta cứ ngỡ là 100% những ta lâng đó là CỦA MÌNH rồi cứ giữ hết cho mình như người đầy tớ thứ 3 nầy. Ít lắm ông nầy không dám mang ra xài phí mà còn bị rầy và bị phạt, huống chi suốt đời chúng ta xài phí hết tiền của và sức lực cho mình mà không làm chi lợi ích cho Chúa!

Bạn có biết một TA LÂNG có giá trị khoảng bao nhiêu tiền thời nay không? Trong thời của Chúa, một ta lâng nói đến một số tiền rất lớn, nhưng có nhiều cách tính và người ta luôn có những con số khác nhau. Một ta lâng là một số lượng khoảng 33 ký-lô vàng hay bạc. Nếu là vàng thì theo giá trị hiện nay, một ta lâng vàng trị giá trên 1 triệu đô-la, nếu nói về bạc thì có thể lên tới hàng trăm nghìn. Nếu tính theo trị giá của đồng tiền La-mã thời đó, thì một ta-lâng tương đương với 6,000 đơ-ni-ê. Một đơ-ni-ê là tiền lương trung bình của một ngày công. Trong thời của Chúa, 6,000 đơ-ni-ê tương đương 20 năm lương. Nếu tính theo lương tối thiểu ở xứ Do thái ngày nay là $1,500 một tháng hay $20,000 một năm, thì một ta-lâng trị giá khoảng $400,000.

Như vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng ông chủ nầy quá nghiêm khắc với người đã nhận được chỉ có một ta lâng. Trong thực tế, người đó đã được chủ mình tin cậy và giao cho một số tiền khá lớn nhưng không chịu đáp ứng lòng tin tưởng và kỳ vọng của chủ là LÀM LỢI RA NHIỀU HƠN với số tiền mà ông giao cho. Chúa chúng ta cũng vậy, Ngài mong muốn chúng ta sử dụng những ta lâng THUỘC VỀ CHÚA mà Ngài giao cho chúng ta, tức đời sống, sức khoẻ, sự khôn ngoan, học thức, tiền của, tài năng, con cái, v.v. để sanh ra những KẾT QUẢ LỢI ÍCH cho Ngài.

Ông chủ nầy cũng cho họ MỘT THỨ KHÁC NỮA. Chúng ta có biết đó là gì không? – Đó là THỜI GIAN! Phải, ông cho họ đủ thời gian để làm việc. Ví dụ nầy kể rằng ông chủ phải “ĐI ĐƯỜNG XA” (C. 14) và “CÁCH LÂU NGÀY” mới trở về (C. 19), nên ông đã giao cho mỗi người ĐỦ SỐ LƯỢNG tài nguyên để có thể làm lợi ra trong thời gian ông vắng mặt. Thì cũng vậy, Chúa ban cho chúng ta mỗi người một THỜI GIAN ĐỂ SỐNG trên đất nầy. Cuộc sống của mỗi người dài vắn khác nhau, với những ta-lâng hay những tài nguyên khác nhau, sức khoẻ cũng khác nhau, IQ hay sự thông minh khác nhau, khôn khéo khác nhau, những cơ hội khác nhau, kiến thức khác nhau, tiền của cũng nhiều ít khác nhau, v.v. Mỗi người đều nhận được những thứ đó vừa đủ để mang ra làm lợi ích cho xã hội và cho Nước Trời.

THỜI GIAN cũng là ta lâng mà Chúa giao cho chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng những tài nguyên khác mà không cần đến YẾU TỐ THỜI GIAN thì cũng không thể có kết quả tốt đẹp. Ngày nay, nhiều người muốn trở nên giàu có nhưng muốn loại bỏ yếu tố thời gian, muốn đi đường tắt, nên đã bị người khác lợi dụng gia nhập các tổ chức kinh doanh “đa tầng” (multilevel marketing) để rồi bị mất mác và thất vọng đắng cay. Trong hội thánh Chúa cũng vậy, nhiều tôi tớ Chúa ngày nay muốn phát triển hội thánh nhưng không chịu bỏ thời gian. Họ chạy theo những nguồn trợ cấp từ nước ngoài để có phương tiện nhanh chóng dụ dỗ được nhiều tín hữu và mục sư từ các tổ chức khác gia nhập hội mình. Có người cũng dùng kế hoạch dối trá để chiếm đoạt tài sản và bôi xóa công khó thuộc linh mà người khác đã dày công xây dựng. Có người tìm đủ mọi cách để lôi kéo chiên của chuồng khác về chuồng mình thay vì nhờ cậy QUYỀN NĂNG Thánh Linh và DÀNH NHIỀU THỜI GIAN để huấn luyện nhân sự, tổ chức truyền giảng, chứng đạo, thăm viếng, chăm sóc,… để tìm chiên lạc mang về nhà Chúa. Người nào muốn làm giàu nhanh hay có tổ chức lớn theo tinh thần xác thịt đó là hoàn toàn đi ngược lại với kế hoạch của Chúa, và sẽ rơi vào con đường thất bại nhục nhã cho đời sống mình.

Mỗi chúng ta phải PHÁT TRIỂN khả năng của mình và SỬ DỤNG tối đa những tài nguyên mà Chúa giao cho để làm mọi công việc mà Chúa đã có kế hoạch cho đời sống hay chức vụ của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô viết trong Ê-phê-sô 2:10 ~
“Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”

Chúng ta thường áp dụng câu nầy cho việc bố thí hay việc làm từ thiện và không thấy rằng câu này cũng có liên hệ đến những CÔNG VIỆC THÔNG THƯỜNG mỗi ngày của chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta nên áp dụng câu đó cho BẤT CỨ công việc nào của chúng ta, dù làm việc cho Chúa hay cho chủ. Khi chúng ta dùng đến những ta-lâng mà Chúa giao cho, để làm bất cứ việc gì, dù là để làm vườn, làm nail hay làm nơi công sở, tất cả đều phải được làm như những “VIỆC LÀNH” – những việc CÓ LỢI CHO NHÀ CHÚA và mang đến VINH HIỂN cho danh Ngài, như lời Phaolô nhắn nhủ trong 1Côrinhtô 10:31 ~ “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.”

Khi bạn trao đổi với khách hàng nơi tiệm buôn, bạn có làm điều đó như một việc lành trước mắt Chúa không? Khi bạn sửa nhà cho một ai, làm công việc của y tá hay thợ máy, thì cách bạn làm việc có phải là một việc lành trước con mắt của họ và mang đến vinh hiển cho Chúa không? Có lần chúng tôi viếng phố cổ ở Hội-An, chúng tôi ghé một cửa tiệm bán hàng kỷ niệm cho du khách. Khi trả giá và nói chuyện qua lại chúng tôi thấy bà bán hàng rất lịch sự và thành thật nên nghi là con cái Chúa. Đúng vậy, hỏi ra thì biết bà là một con cái Chúa trong hội thánh ở Hội An. Bà nầy đã làm việc với du khách, không biết chúng tôi là tôi tớ Chúa, nhưng vẫn bày tỏ việc lành cách rõ ràng trong đời sống một con cái thật của Ngài. Chúa luôn giao cho chúng ta đủ tài nguyên và tài năng để thực hiện những công việc hàng ngày của mình như những việc lành, để mang đến lợi ích cho Chúa và cho thế giới mà Ngài tạo dựng nên.

Dĩ nhiên, khi chúng ta dùng những ta lâng của mình để làm những CÔNG TÁC THUỘC LINH, như làm chứng cho một người thân hữu hay dạy Trường Chúa nhật chẳng hạn, thì Chúa còn cho chúng ta thêm một điều khác nữa, đó là SỰ XỨC DẦU của Đức Thánh Linh. Thánh Linh biến những ta lâng thành những ƠN TỨ THUỘC LINH, hoặc cũng giúp chúng ta KHÁM PHÁ thêm những TA-LÂNG GIẤU KÍN của mình, hầu cho Ngài có thể dùng những ta lâng của chúng ta để thu gặt được những kết quả thuộc linh lớn lao hơn cho nhà Ngài.

ƠN TỨ có thể là những ta lâng được Chúa BAN THÊM mà trước đó chúng ta không có. Nhưng phần nhiều, Chúa thường XỨC DẦU cho dùng những TA LÂNG SẴN CÓ của chúng ta, như kiến thức về Kinh Thánh, kiến thức về ngoại ngữ hay về điện toán, những gì chúng ta học từ trường hay từ bè bạn, những kinh nghiệm từ công ty, v.v. Ngài xức dầu cho những tài năng hay kiến thức đó để biến thành ƠN TỨ hầu cho chúng ta có thể dùng những ta lâng đó cách hiệu quả để sinh ra lợi ích cho Ngài. Vì cớ đó, chúng ta ĐỪNG XEM THƯỜNG sự học thức hay những kinh nghiệm trong cuộc sống, tiếp tục MỞ MANG TRÍ TUỆ, tiếp tục học hỏi không ngừng, dù học từ sách vở hay từ trường học, luôn hạ mình trước mặt Chúa và dâng những tài nguyên đó cho Ngài sử dụng như những ƠN TỨ có lợi cho Ngài.

  1. Chúa ban thưởng dựa trên công khó của mỗi chúng ta chớ không phải theo số lượng.Chúng ta xem câu 15: Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường.Chữ “tài” ở đây đã được dịch không rõ. Trong những bản dịch Anh ngữ, chữ “tài” được dịch là “ability”, tức là “khả năng” chứ không phải là “tài năng”. Theo sự hiểu biết thông thường xưa nay thì nhiều người hiểu chữ “ta-lâng” chỉ nói về “tài năng”, như trong tiếng Anh và Pháp, chữ “talent” có đồng nghĩa với “tài năng”, nhưng thật ra ta-lâng có ý nghĩa rất bao gồm như đã nói ở trên. Như vậy, tùy theo KHẢ NĂNG nhiều ít khác nhau mà mỗi người đầy tớ được chủ giao cho TÀI NĂNG hay TÀI NGUYÊN nhiều ít khác nhau để sinh lợi cho chủ.

Khi phân phát TÀI NGUYÊN (ta-lâng) như vậy, ông chủ nầy không có đối xử bất công vì ông hiểu rằng mỗi người được sanh ra trên đời nầy với những KHẢ NĂNG KHÔNG ĐỒNG ĐỀU NHAU. Người đầy tớ nhận được hai ta-lâng không có khả năng để sản xuất nhiều như người đầy tớ có năm ta-lâng nên người chủ chỉ giao cho ông hai ta-lâng mà thôi. Vã lại, chúng ta thấy, số ta-lâng đó dù nhiều hay ít cũng không phải thuộc về người đầy tớ. Rồi số ta-lâng được làm lợi ra nhiều cũng không thuộc về họ, nhưng phải giao lại hết cho chủ, cả vốn lẫn lời để ông xử dụng theo ý mình. Hãy xem câu 27,28 ~ 27 vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời. 28 Vậy, các ngươi hãy lấy ta-lâng của người nầy mà cho kẻ có mười ta-lâng.”

Có thể chúng ta nghĩ rằng Chúa không công bằng khi giao cho kẻ nầy quá nhiều tài năng còn người kia thì quá ít, cho người nầy bạc triệu, bạc tỷ còn người kia thì cứ thiếu thốn suốt đời. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa làm như vậy là HỢP LÝ vì Ngài biết khả năng của mỗi chúng ta đều khác nhau. Dù chúng ta có thể không thỏa lòng khi nhận thấy những khả năng mà Chúa ban cho mình rất thua thiệt so với người khác, thì ẩn dụ nầy giúp chúng ta hiểu được sự CÔNG BÌNH của Ngài, vì khi ban thưởng Chúa đánh giá chúng ta theo KHẢ NĂNG và CÔNG KHÓ của mỗi chúng ta chứ không theo con số. Người sinh lợi ra 5 ta-lâng và người làm ra 2 ta lâng đều nhận được lời khen ngợi như nhau và được vào hưởng phước như nhau.

Mục sư Franklin Graham có nhiều tài năng hơn mọi người vì khi ông giảng trong 60 phút ông có thể giúp cho 2000 người tin Chúa. Nhưng chưa chắc gì ông có nhiều công khó hơn một ông chấp sự đã bỏ ra 60 phút để hướng dẫn cho một người tin nhận Ngài. Tôi tin rằng, trước mặt Chúa, cả hai người đó đều sẽ được PHẦN THƯỞNG BẰNG NHAU vì cả hai đều đã bỏ ra HẾT KHẢ NĂNG của mình để làm việc Chúa! Người đàn bà góa chỉ dâng có hai xu, nhưng đó là tất cả những ta-lâng mà bà có. Loài người có thể thấy hai xu là ít nhưng Chúa thấy đó là nhiều (100%) và ban thưởng cho bà nhiều hơn người có một trăm nghìn đô-la mà dâng có 1,000 (1%)! Vì vậy chúng ta đừng nãn lòng khi dành nhiều thì giờ và công sức để giúp cho một người bạn mà mình yêu thương sớm trở về cùng Ngài. “Vì CÔNG KHÓ của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” Chúng ta sẽ nhận phần thưởng xứng đáng với công khó của mình.

Chúa rất công bình thưa quý ông bà anh chị em! Chúng ta không nên ham có nhiều ta-lâng khi mình có ít khả năng. Nếu ai ghanh tị với người có bạc tỷ như Mark Zuckerberg thì nên tự hỏi mình có khả năng làm Tổng Giám Đốc cho công ty Facebook không? Chúng ta có còn đức tin và có sống lợi ích cho Chúa nữa không khi Ngài ban cho chúng ta có tài hát hay như ca sĩ danh tiếng nào đó mà ta ước muốn? Ngài biết chúng ta hơn chính ta biết mình. Nên chúng ta hãy dùng hết khả năng và cố gắng để sử dụng những ta-lâng mà ta có để làm vinh hiển Danh Ngài. Là Đấng Công bình Chúa sẽ đo lường sự xứng đáng theo mức độ CỐ GẮNG hay NỔ LỰC của mỗi người chứ không dựa theo con số như loài người thường làm. Chắc chắn khi thấy sự trung tín và cố gắng của chúng ta, Ngài sẽ GIAO THÊM những ta-lâng khác cho chúng ta như Ngài thường làm, vì Ngài sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ dư dật…” như lời Ngài đã phán (Math. 25:29).

+++++++++++++

“Bài Học Từ Ẩn Dụ Về Các Ta Lâng”

Mathiơ 25:14-30 / Luca 19:22-28 – (Phần II)

Mục sư Nguyễn Duy Tân, © 2017 TinLanhLibrary.com

4. Công việc của chúng ta phải sanh ra lợi ích cho Chúa chứ không phải cho mục đích ích kỷ của riêng mình.

Số tiền được trao cho những người đầy tớ không phải là tiền của họ. Số tiền lời họ tìm được từ số vốn đó cũng không phải là thuộc về họ. Các người đầy tớ chỉ là những người có trách nhiệm QUẢN LÝ tài sản mà chủ muốn đầu tư, và người chủ sẽ đo lường hay đánh giá CÁCH THỨC mà mỗi người sẽ quản lý số tiền đó như thế nào trong thời gian mà người chủ đi vắng.

Ẩn dụ nầy nhắc cho chúng ta nhớ đến Lời Chúa dạy rằng: “Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được.” (1Timôthê 6:7). Chúng ta không ai thực sự SỞ HỮU điều gì của mình khi sinh ra và khi sống trên đời nầy. TẤT CẢ những gì chúng ta có đều là những ta lâng mà CHÚA GIAO CHO để chúng ta quản lý. Xin nhắc lại, những TA LÂNG đó là ĐỜI SỐNG, SỨC KHOẺ, những TÀI NĂNG, IQ (trí thông minh), những CƠ HỘI, DÒNG TỘC, KIẾN THỨC, TIỀN BẠC, GIA TÀI cha mẹ để lại, XÃ HỘI và NƠI CHỐN mà chúng ta lớn lên hay cư trú, v.v.. Khi chúng ta còn sống thì phải sử dụng những ta lâng đó để sinh lợi cho Chúa chứ không phải cho mình. Khi chúng ta qua đời, chúng ta cũng không thể mang được điều gì theo mình, chỉ có thể mang theo những CÔNG VIỆC LÀNH mà chúng ta đã làm cho Chúa như Lời Ngài nói: Tôi nghe có tiếng đến từ trên trời rằng: Hãy viết lấy: Từ rày, phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau.” (Khải huyền 14:13). Chúng ta thấy, chỉ có những gì mà chúng ta làm lợi ra cho Chúa mới theo chúng ta và còn lại đời đời để nhờ đó chúng ta được Chúa ban thưởng. Vì cớ đó chúng ta nên sử dụng những tài nguyên mà Chúa giao cho cách hết sức mình để làm lợi cho Chúa. Chúng ta có thể ôm giữ những thứ đó cho mình cách ích kỷ như phần đông nhân loại, nhưng để hưởng được bao lâu? Nhiều lắm là 100 năm rồi cũng phải bị Chúa lấy lại giao cho người khác. Để rồi khi về nước Chúa, chúng ta BỊ MẤT ĐI phần thưởng và gia tài trăm nghìn lần QÚY GIÁ HƠN và chúng ta có thể sở hữu ĐỜI ĐỜI vô tận!  Vậy, thà chúng ta DÀNH ƯU TIÊN cho việc sử dụng những ta lâng hay tài nguyên mà Chúa giao cho để TÔN VINH Đức Chúa Trời và PHÁT TRIỂN VƯƠNG QUỐC của Ngài.

Chúng ta biết rằng mình làm việc trong một thế giới đã bị sa đọa và gãy đổ. Vì sự rủa sả do tội lỗi đưa đến, công việc làm của chúng ta sẽ rất khó khăn. Nhưng chúng ta nên biết thỏa lòng và vui mừng khi làm hết sức mình với những sự khôn khéo và những tài năng mà Chúa đã ban cho chúng ta. Hãy tiếp tục sống xứng đáng với lòng tin cậy mà Ngài đặt trên chúng ta, hết sức cố gắng để đạt được kết quả tối ưu, với mục đích tối hậu là làm vinh hiển cho Danh Ngài.

5. Ngày kia nơi Thiên đàng mỗi người sẽ phải khai trình và chịu trách nhiệm về những gì mình làm với những ta lâng mà Chúa giao cho.

Ẩn dụ về các ta-lâng không phải nói đến những việc lành mà chúng ta phải làm ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI, nhưng nói về cách chúng ta SỬ DỤNG những gì Chúa giao cho để làm những công việc và HOÀN THÀNH những mục đích mà Ngài kêu gọi chúng ta trong cuộc sống trên trần gian nầy. Ẩn dụ đó nói về cách chúng ta là con cái Chúa QUẢN LÝ cả cuộc đời của mình, hoặc quản lý những trách nhiệm mà Chúa đã giao cho mỗi chúng ta, vì ngày kia chúng ta sẽ đứng trước mặt Chúa để KHAI TRÌNH công việc của mình như Phao-lô nói đến trong Rôma 14:12 ~ “Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời.”  Ngày kia, mỗi chúng ta sẽ phải đứng trước mặt Ngài để khai trình những việc lành và những việc mà chúng ta nghĩ rằng mình đã “làm cho Chúa” khi dùng những khả năng và cơ hội mà chúng ta có được lúc ở trong thân xác nầy. Chỉ có Chúa là Đấng thấy rõ tấm lòng mỗi người mới có thể đánh giá đúng mức công việc của mỗi người. Vì cớ đó, trong đời nầy chúng ta đừng quá khen hay chê trách công việc của một người nào khi nhìn xem bề ngoài hay kết quả dựa trên con số. Lúc đứng trước mặt Chúa, nhiều người sẽ rất hãnh diện vì họ đã từng giảng dạy rất hùng hồn và được nhiều người khen ngợi, từng đuổi quỷ và chữa bệnh, nhưng họ sẽ ngạc nhiên nghe Chúa quở là đầy tớ biếng nhác hay gian ác. Tại sao? Vì họ có những ta-lâng Chúa giao cho nhưng lại dùng những tài năng và cơ hội với mục đích để ĐƯỢC KHEN NGỢI và để thỏa mãn lòng KIÊU NGẠO của mình. Họ rất siêng năng khi công việc có liên hệ đến mục đích đó; nhưng rất lười biếng khi đứng trước những công việc chỉ mang đến lợi ích và vinh hiển cho Chúa! Đừng để cho mình phải xấu hổ khi khai trình trước mặt Ngài!

Tại sao chúng ta phải KHAI TRÌNH? Bởi vì cuộc đời nầy thật ra là một TRƯỜNG HỌC mà mỗi con người chúng ta phải chịu huấn luyện không ngừng cho đến khi qua đời mới ĐƯỢC ra trường. BẰNG CẤP và TRÁCH NHIỆM CAO TRỌNG mà chúng ta sẽ nhận được đó là phần thưởng quý giá và công việc mà Chúa sẽ giao cho chúng ta TRONG CÕI ĐỜI ĐỜI. Trong Math. 25:21b ~ “…ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi COI SÓC NHIỀU…” Và trong một ví dụ khác tương tự như ẩn dụ nầy được ghi trong Luca 19, ở câu 17 có nói ~ “Chủ rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành kia, được lắm; vì ngươi trung tín trong sự nhỏ mọn, ngươi sẽ được CAI TRỊ mười thành.” Công sức và những công việc mà chúng ta đã bỏ ra để làm cho Chúa trong cuộc đời ngắn ngủi nầy chỉ là “CHUYỆN NHỎ MỌN”. Những trách nhiệm mà Chúa sẽ giao cho chúng ta làm trong cõi Thiên Hy Niên và trong cõi đời đời mới là việc LỚN LAO, QUAN TRỌNG, và lâu dài! Vì cớ đó, trong hiện tại chúng ta hãy “siêng năng làm công việc Chúa cách dư dật luôn” để ngày kia không bị Chúa quở là đầy tớ biếng nhác! Trên đời nầy, người ta vào đại học 4 năm để nhận bằng cấp (đó là không kể 10 năm tiền đại học) rồi ra đời làm việc 40 năm (lâu gấp 10 lần) và hưu trí. Người Cơ-đốc nhân có thể được huấn luyện trên đời nầy lâu lắm là 100 năm để rồi “ra trường” (khi qua đời), kế đó (sau khi sống lại) sẽ được giao cho trách nhiệm cai trị 1000 năm với Chúa (trong cõi Thiên Hy Niên, cũng lâu gấp 10 lần), và sau đó chưa chắc gì sẽ hưu trí nhưng tiếp tục phục vụ Ngài trong tinh thần vui mừng trong cõi đời đời vô tận! Chúng ta hãy suy nghĩ xem công việc nào đáng cho chúng ta siêng năng dành nhiều năng lực và tập trung vào nhiều hơn, việc cho mình hay việc cho Chúa?

Chúa trách người đầy tớ thứ 3 là biếng nhác rồi cho ông biết điều mà đáng lẽ ông phải làm nhưng lại không làm: “vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời.” (Mathiơ 25:27)  Câu nầy cho thấy thật ra Chúa không đòi hỏi TẤT CẢ chúng ta đều phải “làm lợi ra” cho thật nhiều như những người có nhiều khả năng. Dường như Ngài muốn nói với người thứ 3 rằng: “Nếu ngươi không có đủ khả năng để làm lợi như hai người kia, thì ít lắm ngươi cũng có thể đưa số tiền đó cho “người buôn bạc” (ngân hàng) để họ làm lợi THẾ CHO NGƯƠI!”  Điều nầy dạy chúng ta bài học gì đây? Có phải đó là trường hợp đại loại như khi chúng ta không có khả năng để đi truyền giáo ở miền rừng núi, chúng ta có thể dùng một số tiền mà Chúa giao cho mình để dự phần vào công việc của các giáo sĩ giúp cho họ có thể hầu việc Ngài ở những nơi đó hay sao? Ít lắm số tiền đó có cơ hội làm lợi cho Chúa trong khi chính chúng ta không có khả năng làm được, phải không? Nếu bạn nghĩ rằng mình thiếu khả năng, chỉ có ít tiền của, thì hãy bắt đầu DÂNG HIẾN cho bất cứ công việc nào hay mục vụ nào mà bạn được Chúa cảm động và bạn cũng biết chắc đã và đang mang đến lợi ích cho Nhà Ngài.

Nhiều người cứ than thở là mình nghèo, mình không có tiền rồi không dự phần vào công việc Nhà Chúa. Hãy nghe những gì Lời Chúa nói về người nghĩ rằng mình KHÔNG CÓ tiền của để dự phần vào công việc nhà Chúa: “Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ dư dật; nhưng kẻ nào KHÔNG CÓ, thì cũng cất luôn điều họ đã có nữa.” (Mathiơ 25:29). Đó là lý do tại sao nhiều con cái Chúa cứ CẢM THẤY mình nghèo thiếu mãì. Nhiều người dù có bao nhiêu tiền của vẫn thầm nghĩ rằng, “Tiền chưa có đủ cho tôi xài lấy gì dâng cho Chúa!” hoặc “Khi nào kinh tế gia đình tôi ổn định hay dư giả tôi sẽ dâng cho Chúa!” Thế rồi họ sẽ không dám bắt đầu tập dâng hiến cho Chúa vì họ sẽ không bao giờ cảm thấy đời sống họ DƯ GIẢ HAY ỔN ĐỊNH. Hãy nhớ lẽ thật nầy: Đối với những người có suy nghĩ như vậy, chẳng những Chúa sẽ KHÔNG CHO THÊM mà còn LẤY LẠI những gì họ có! Và đó là lý do tại sao nhiều Cơ đốc nhân cứ gặp toàn là mất mác trong mọi cố gắng và nghèo thiếu suốt đời mà không kinh nghiệm được rằng Chúa chúng ta không keo kiết với những ai trung tín và tin cậy Ngài! Khi chúng ta dám tin cậy Chúa bắt đầu dâng hiến, dù là với những số tiền rất nhỏ, thì ngay TRONG ĐỜI NẦY chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy Chúa đổ phước xuống trên đời sống mình. Hãy tiếp tục lấy đức tin dâng hiến mỗi ngày nhiều hơn, vì tiền bạc và của cải cũng là những ta-lâng nên không phải thuộc về chúng ta. Dù chúng ta có dâng một phần mười, thì không phải chín phần mười còn lại là của mình đâu. Đừng tính toán với Chúa! Đừng ngưng ở tỉ lệ một phần mười! Càng dâng hiến chúng ta càng kinh nghiệm sự giàu có lạ lùng của Ngài. Chúa sẽ đổ trên người trung tín dâng hiến cho Chúa những phước hạnh thuộc linh cũng như vật chất dư dật “không chỗ chứa” như lời Ngài đã hứa! (Malachi 3:10).

6. Ẩn dụ về những ta lâng nói gì về những người không tin Chúa?

Người đầy tớ thứ 3 trong ẩn dụ nầy bị kết tội là biếng nhác và gian ác, không phải vì ông ta lãng phí tiền của chủ, nhưng ông lãng phí những CƠ HỘI. Nếu ông cảm thấy thiếu khả năng để buôn bán và làm lợi cho chủ thì ít ra ông cũng có thể đưa ta lâng đó cho “người buôn bạc” tức là ngân hàng để sinh lợi ra chút ít cho chủ mình. Người đầy tớ thứ 3 nầy chẳng những bị bị quở là gian ác và biếng nhác mà còn bị bắt đem “quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng”! Nơi đó là nơi hoàn toàn đối nghịch với nơi mà hai đầy tớ kia được hưởng, tức là được ở gần bên chủ và hưởng sự vui mừng của chủ. Người đầy tớ bất trung nầy phải bị xa cách với chủ, sống trong một nơi tối tăm đầy đau đớn và hối hận. Tất cả những nhà giải kinh đều đồng ý rằng bối cảnh đó nói về ĐỊA NGỤC là nơi ở của người không tin Chúa. Tại sao người nầy cũng nhận được một ta lâng mà không được cứu? Như trong ví dụ về người gieo giống, cả bốn loại đất đều nhận được hạt giống của Phúc Âm, nhưng chỉ có một loại đất tượng trưng cho người được cứu vì người đó mang đến kết quả cho Chúa (Mác 4:1-22). Như vậy, nhận được ta lâng không bảo đảm cho sự cứu rỗi, vì những người không tin Chúa vẫn nhận được tài năng và tiền của mà họ không biết là đến từ Chúa, dù trong ngôn ngữ họ hiểu được chữ “thiên tài” hay “thiên phú”. Ta-lâng không phải chỉ dành riêng cho những người tin Chúa mà thôi. Mọi người sinh ra trên đời nầy đều nhận được sự sống, những tài năng, có người còn nhận được tiền bạc từ cha mẹ, những cơ hội quá tốt dù họ không tin Chúa. Nếu họ không tin Chúa thì những ta lâng của họ có thể lợi ích cho Chúa và cho thế giới, nhưng không ích chi cho linh hồn họ. Họ có thể chế tạo ra máy điện toán có ích lợi cho công việc Nước Trời, nhưng họ vẫn bị hư mất, vẫn không được cứu. Luca 19:27 có ghi rõ lý do tại sao người đầy tớ bất trung nầy bị hình phạt: Vì người đó “nghịch cùng ta, và không muốn ta cai trị họ.” Rõ ràng lời nầy cho thấy người đầy tớ thứ 3 nầy tượng trưng cho những người chống nghịch Chúa, không chịu nhận Ngài làm Chúa và không cho phép Ngài cai trị trên đời sống mình. Vì cớ đó, người đầy tớ THỨ 3 nầy là hình ảnh của người KHÔNG TIN CHÚA chứ ẩn dụ nầy KHÔNG CÓ Ý dạy rằng Cơ đốc nhân nào không có đời sống mang đến lợi ích cho nhà Chúa sẽ bị quăng vào địa ngục! Dù vậy, đây là một sự CẢNH CÁO nghiêm trọng cho những ai NGHĨ RẰNG mình là Cơ-đốc nhân. Nếu quý bạn nào còn tiếp tục sống đời sống ích kỷ, kiêu ngạo, tham lam, gian lận, và VÔ ÍCH cho Chúa, không dùng những tài nguyên và tài năng mình ĐỂ LÀM LỢI cho Chúa thì nên xét lại đời sống mình. Bạn HÃY TỰ HỎI xem có phải là mình “có đạo” nhưng lòng thì còn nghịch cùng Chúa và không muốn Ngài cai trị mình chăng?
KẾT LUẬN: Tóm lại, mỗi chúng ta đều sinh ra trên đời nầy “VỚI HAI BÀN TAY TRẮNG”. Tất cả những gì chúng ta hiện có hôm nay ĐỀU ĐẾN TỪ CHÚA. Bằng cấp mà chúng ta treo trên tường cũng là của Chúa, vì nếu Ngài không ban cho chúng ta sự khôn ngoan và cơ hội, thì không thể nào chúng ta có được bằng cấp nào hết. Dù chúng ta phải làm lụng cực khổ mới tiết kiệm được một số tiền trong ngân hàng, mới mua được chiếc xe hay cái nhà mà chúng ta đang có. Nhưng thật ra sức khoẻ, sức lực và tài năng của mỗi chúng ta đều đến từ Chúa, nên mọi thứ chúng ta mua sắm đều THUỘC VỀ NGÀI. Bất cứ lúc nào, nếu Chúa muốn lấy lại thì chỉ trong phút chốc mọi điều đó đều có thể tan theo mây khói!

Ngài tạo dựng chúng ta với những khả năng khác nhau và ban cho mỗi người những ta-lâng nhiều ít khác nhau, nên chúng ta KHÔNG NÊN SO SÁNH mình với người khác để rồi lên mình kiêu ngạo. Chúng ta cũng KHÔNG NÊN XÉT ĐOÁN công việc của người khác khi nhìn vào kết quả theo số lượng. Mỗi người phải hết sức làm việc trong khả năng của mình và đừng bao giờ nãn chí ngã lòng vì Chúa sẽ ban thưởng theo CÔNG KHÓ của chúng ta chứ không theo SỐ LƯỢNG như cách mà loài người thường đánh giá.

Vậy ai nấy đừng tiếp tục sống với tinh thần ích kỷ, đừng xem những gì chúng ta có như lý do để khoe mình và khinh thường những anh em có ít tài năng hơn. Hãy biết sử dụng những TÀI NGUYÊN mà Chúa giao cho để làm lợi cho Ngài, biết dâng những TÀI NĂNG để được Đức Thánh Linh xức dầu và sử dụng như những ƠN TỨ hữu ích cho Nhà Chúa, vì ngày kia chúng ta sẽ phải đứng trước mặt Ngài để KHAI TRÌNH công việc của mình. Lúc đó chúng ta không muốn bị Ngài quở trách nhưng hy vọng được Ngài ban thưởng và giao cho những trách nhiệm để đồng cai trị với Đấng Christ trong đời sau!

Cầu xin Chúa ban cho quý tôi tớ Chúa và tất cả quý ông bà anh chị em luôn ghi nhớ những bài học nầy để sớm trở nên những đầy tớ hữu ích trong nhà Chúa, dự phần đắc lực và trung tín vào công việc mở mang Nước Trời với tất cả những tài nguyền, những ta lâng và ơn tứ mà Chúa giao cho mình. Amen!


Comments

Bài Học Từ Ẩn Dụ Về Các Ta-Lâng (Phần 1 và 2) — No Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *